14:59 06/12/2022

Giá trần và phản ứng của Nga có thể tác động tới thị trường dầu toàn cầu thế nào?

Hoài Thu

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm đáng kể những tháng qua do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm sụt giảm nhu cầu. Giờ đây, mọi quan tâm đổ dồn vào phản ứng của Nga...

Nhà máy lọc dầu Lukoil ở Volgograd, Nga - Ảnh: Reuters
Nhà máy lọc dầu Lukoil ở Volgograd, Nga - Ảnh: Reuters

Từ ngày 5/12, gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, chính thức có hiệu lực. Cùng với đó, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia cũng thống nhất áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga.

Những động thái này đánh dấu nỗ lực quyết liệt chưa từng thấy của phương Tây nhằm gây áp lực lên ngành công nghiệp mang lại nguồn thu lớn nhất của Moscow, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Ukraine đã bước vào tháng thứ 10.

LỆNH CẤM CỦA EU VÀ GIÁ TRẦN CÓ TÁC ĐỘNG THẾ NÀO?

Theo CNN, những diễn biến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào phản ứng của Nga. Trước đó, Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu theo giá trần và có thể sẽ cắt giảm sản lượng - động thái được đánh giá sẽ động lớn tới thị trường năng lượng toàn cầu.

Với lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, EU sẽ giảm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Đây là một bước đi lớn trong bối cảnh dầu Nga chiếm gần 1/3 tổng lượng dầu nhập khẩu của khối này năm 2021. 

Tuy nhiên, lệnh cấm cũng có một số ngoại lệ. Bulgaria được tạm thời miễn thực thi lệnh cấm. Ngoài ra, lệnh cấm cũng không áp đặt với dầu nhập khẩu qua đường ống, đồng nghĩa rằng đường ống Druzhba có thể tiếp tục cung cấp dầu Nga cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. (Đức và Ba Lan đang hành động để chấm dứt nhập khẩu dầu qua đường ống từ Nga càng sớm càng tốt.)

Dù vậy, lệnh cấm dầu qua đường biển cũng có thể gây ra tác động lớn với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 48 tỷ Euro (tương đương 50,7 tỷ USD) dầu thô và 23 tỷ Euro (24,3 tỷ USD) sản phẩm dầu tinh chế từ Nga. Và khoảng 2/3 lượng nhập khẩu này được vận chuyển qua đường biển.

Đức và Ba Lan đang hành động để chấm dứt nhập khẩu dầu qua đường ống từ Nga càng sớm càng tốt - Ảnh: Getty Images
Đức và Ba Lan đang hành động để chấm dứt nhập khẩu dầu qua đường ống từ Nga càng sớm càng tốt - Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 2/2023, EU cũng sẽ thực thi lệnh cấm sản phẩm dầu tinh chế của Nga như nhiên liệu diesel, qua đường biển.

Với cơ chế giá trần, sau một thời gian dài thảo luận, hôm 2/12, EU, G7 - với các thành viên gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada - và Australia đã đi đến thống nhất về mức giá trần 60 USD với dầu Nga. Cơ chế này cũng có hiệu lực từ ngày 5/12.

Giá trần được thiết kế nhằm buộc các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và dịch vụ khác cho các chuyến tàu chở dầu của Nga phải tuân thủ giá trần. Nếu bên mua trả giá cao hơn giá trần, các công ty này - hầu hết có trụ sở tại Châu Âu hoặc Vương quốc Anh - sẽ không cung cấp dịch vụ. Về lý thuyết, việc này sẽ giúp ngăn chặn hoạt động vận chuyển dầu Nga không tuân thủ giá trần.

Về phía Nga, bất chấp các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây thời gian qua, nền kinh tế nước này và kho bạc của Chính phủ vẫn được hỗ trợ nhờ vị thế là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Ả Rập Saudi.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 10, Nga xuất khẩu 7,7 triệu thùng dầu/ngày, chỉ ít hơn khoảng 400.000 thùng so với mức trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Doanh thu từ dầu thô và sản phẩm tinh chế của nước này hiện là khoảng 560 triệu USD/ngày.

Với việc nhanh chóng tiến tới ngừng nhập khẩu dầu nga, châu Âu hy vọng sẽ siết chặt dòng tiền mà Điện Kremlin đang dùng cho cuộc chiến. Còn các nước G7 không muốn dầu Nga biến mất hoàn toàn khỏi thị trường bởi việc này có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng vọt, đặc biệt là khi lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế. Với việc thực thi giá trần, họ kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì dòng chảy dầu nhưng vẫn hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Đến nay, vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả của lệnh cấm nói trên cũng như cơ chế giá trần. Các quốc gia châu Âu như Ba Lan và Estonia trước đó muốn áp đặt mức giá trần thấp hơn bởi họ cho rằng 60 USD là mức quá sát với giá thị trường hiện tại của dầu Nga. Vào cuối tháng 9, dầu Urals của Nga được giao dịch với giá chưa tới 64 USD/thùng.

“Thỏa thuận giá trần ngày hôm nay là một bước đi đúng hướng, nhưng chưa đủ”, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu đăng tải trên Twitter ngày 2/12. “Tại sao chúng ta lại vẫn sẵn lòng cung cấp tài chính cho cỗ máy chiến tranh của Nga như vậy?”

Bỏ qua những tranh luận xoay quanh mức giá trần, việc thực thi cơ chế này cũng được cho là không hề dễ dàng. Theo các nhà phân tích, Nga và các khách hàng mua dầu của nước này có thể sử dụng các tàu và nhà cung cấp bảo hiểm bên ngoài châu Âu và Vương quốc Anh để lách luật.

MỌI CHÚ Ý ĐỔ DỒN VÀO PHẢN ỨNG CỦA NGA

Phản ứng với các động thái trừng phạt mới của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/12 nói rằng Moscow “sẽ không công nhận bất kỳ giá trần nào” và Chính phủ sẽ đánh giá tình hình trước khi đưa ra những phản ứng cụ thể.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ không xuất khẩu dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần, kể cả khi việc này đồng nghĩa sẽ phải cắt giảm sản lượng.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: Getty Images
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: Getty Images

“Giá trần là bước đi gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu”. ông Novak nói hôm 4/12.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm đáng kể những tháng qua do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm sụt giảm nhu cầu. Giờ đây, mọi quan tâm đổ dồn vào phản ứng của Nga.

Theo IEA, Moscow cần tìm các khách hàng thay thế cho khoảng 1,1 triệu thùng/dầu mỗi ngày vẫn đang được xuất sang châu Âu. IEA ước tính để phản ứng với giá trần, Nga có thể giảm sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày vào đầu năm 2023.

Theo tờ Al Jazeera, Nga đã có sự chuẩn bị từ trước khi giá trần có hiệu lực để xuất khẩu dầu sang các quốc gia không tham gia cơ chế này. Hiện các khách hàng lớn nhất của dầu Nga, gồm Trung Quốc và Ấn Độ, không tham gia áp đặt giá trần. 

Bên cạnh phản ứng của Nga, các nhân tố khác cũng sẽ quyết định giá dầu trên thị trường thời gian tới. Những căng thẳng tại Trung Quốc liên quan tới chiến lược chống dịch Zero-Covid đã khiến nước này phát tín hiệu điều chỉnh chính sách chống dịch và nhu cầu dầu có thể tăng lên khi nền kinh tế nước này phục hồi tăng trưởng.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng có thể điều chỉnh sản lượng. OPEC và các nước đối tác gồm Nga hôm 4/12 quyết định giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố trước đó để dành thêm thời gian đánh giá tác động của lệnh cấm của EU và giá trần.

Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu tinh chế của EU vào tháng 2 năm sau cũng có thể là tác động lớn tới giá năng lượng bởi khối này hiện vẫn phụ thuộc vào dầu diesel của Nga và việc tìm nguồn cung thay thế chỉ trong vài tháng không hề dễ dàng.