11:00 30/12/2023

Giá trị M&A toàn cầu giảm dưới 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên sau 10 năm

Bình Minh

Thị trường M&A toàn cầu đạt giá trị giao dịch 2,9 nghìn tỷ USD trong năm nay, giảm 17% so với năm 2022...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tổng giá trị các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) toàn cầu trong năm 2023 đã giảm xuống dưới mức 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trở lại đây, khi sự kết hợp giữa lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị leo thang dập tắt hy vọng rằng sự trầm lắng của thị trường M&A năm 2022 chỉ là tạm thời.

Tờ Financial Times dẫn số liệu từ nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán London Stock Exchange Group (LSEG) cho biết thị trường M&A toàn cầu đạt giá trị giao dịch 2,9 nghìn tỷ USD trong năm nay, giảm 17% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 thị trường M&A thế giới chứng kiến mức giảm hơn 10% trong hai năm liên tiếp.

“2023 rõ ràng là một năm rất chậm chạp của hoạt động M&A, và không được như kỳ vọng về tổng giá trị của các thương vụ”, bà Simona Maellare - trưởng bộ phận vốn thay thế toàn cầu của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS - nhận định.

Châu Âu là thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất của M&A trong năm nay, với mức giảm 28% so với năm ngoái. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến mức giảm 25%, trong khi hoạt động M&A tại Mỹ giảm 6%.

Các nhà thương thảo M&A đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay. Đúng lúc hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đang trên đà giảm sút sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19, các cơ quan chức năng lại tăng cường giám sát, và lãi suất tăng trên toàn cầu. Tất cả những yếu tố này đều khiến hoạt động M&A suy yếu.

Hai thương vụ lớn trong lĩnh vực năng lượng ở Mỹ, của hai “ông lớn” ngành dầu lửa ExxonMobil và Chevron, trị giá hơn 50 tỷ USD mỗi thương vụ, đã giúp tăng tổng giá trị M&A toàn cầu trong những tháng cuối cùng của năm. Trong quý 4, giá trị giao dịch đã tăng 28% so với quý 3.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giữa Israel với Hamas nổ ra vào tháng 10 đã cản trở sự phục hồi trên diện rộng của thị trường M&A toàn cầu.

“Môi trường pháp lý cũng trở nên khó khăn hơn trong năm nay. Đúng vào lúc tâm lý được cải thiện, thì chiến tranh lại nổ ra ở Trung Đông”, trưởng bộ phận M&A toàn cầu của ngân hàng Goldman Sachs, ông Mark Sorrell, nhận định.

Quan điểm cứng rắn hơn của các cơ quan chức năng đã khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại trong việc thâu tóm đối thủ kinh doanh. Sau gần 21 tháng bấp bênh, thoả thuận 75 tỷ USD của hãng phần mềm Microsoft mua lại công ty trò chơi Activision Blizzard cuối cùng đã hoàn tất. Tuy nhiên, vụ thâu tóm 20 tỷ USD của Adobe với mục tiêu là hãng phần mềm Figma đã đổ bể sau khi nhà chức trách của Liên minh châu Âu (EU) và Anh tiến hành điều tra.

Các nhà cố vấn dự báo rằng hoạt động M&A toàn cầu chỉ có thể khởi sắc trong nửa sau của năm 2024, thay vì phục hồi ngay trong nửa đầu năm.

Sự sụt giảm của thị trường mua bán và sáp nhập năm nay đã gây thiệt hại doanh thu về phí tư vấn của các ngân hàng đầu tư, với mức giảm được ghi nhận là 8% so với năm ngoái, còn 105 tỷ USD. Trong đó, phí từ các thương vụ M&A giảm mạnh nhất, với mức giảm 26%, còn 29 tỷ USD - thấp nhất kể từ năm 2016.

Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs tiếp tục giữ vị trí số 1 toàn cầu trong lĩnh vực tư vấn M&A, chủ yếu do nắm chắc thế thống lĩnh tại thị trường Mỹ. Hai ngân hàng Mỹ khác là Morgan Stanley và JPMorgan Chase đứng thứ hai và thứ ba toàn cầu, tương ứng dẫn đầu thị trường châu Á và châu Âu.