Giá USD tự do tăng 1,7% kể từ đầu năm 2024
Sau những tháng cuối năm 2023 tương đối ổn định do được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực, tỷ giá VND/USD đã "tăng nhiệt" trong tháng 1/2024. Một phần do nhu cầu tăng vào cận Tết nguyên đán, cộng với những yếu tố chưa chắc chắn về lộ trình cắt giảm lãi suất của FED. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định áp lực tăng tỷ giá chỉ là nhất thời...
Sáng 25/1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.031 VND/USD, tăng 1 đồng mỗi USD so với phiên 24/1.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 – 25.181 đồng/USD (mua – bán), đi ngang chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước đó.
Theo cập nhật lúc 10h sáng 25/1 của VnEconomy, giá USD mua vào – bán ra tại các ngân hàng thương mại là 24.400 VND/USD và 24.770 VND/USD, đi ngang so với phiên 24/1.
Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, tỷ giá USD ngân hàng đã tăng 1,14% trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,76%.
Trước đó, kết thúc năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ giá tăng 3,04% so với đầu năm. Riêng tháng 12/2023, tỷ giá giảm 0,04% so với cùng kỳ tháng trước. Đồng USD giảm mạnh do thị trường kỳ vọng nhiều hơn về việc FED đã ngừng tăng lãi suất và sớm đảo chiều chính sách trong năm 2024 là yếu tố chính khiến tỷ giá giảm kể từ tháng 11.
Còn trên thị trường tự do, giá USD mua vào – bán ra sáng 25/1 lần lượt là 25.070 VND/USD và 25.120 VND/USD. So với phiên 24/1, giá USD tự do tăng mạnh 70 đồng mỗi USD ở chiều mua vào và 20 đồng mỗi USD ở chiều bán ra. Tính từ đầu tháng 1 tới nay, giá USD tự do đã tăng 1,7%.
Sáng 25/1 (theo giờ Việt Nam), chỉ số DXY giao dịch trong biên độ hẹp quanh mức 103,30 sau những biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, khi nhà đầu tư đang chờ đợi công bố GDP quý 4/2023 sẽ cung cấp thêm góc nhìn về lãi suất của Mỹ. Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây của Mỹ đã làm giảm kỳ vọng sớm cắt giảm lãi suất chính sách từ FED, giúp gia tăng sức mạnh cho đồng USD và gây áp lực lên các tiền tệ còn lại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng nhu cầu mua USD tăng cao sát Tết nguyên đán cũng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của tỷ giá thời gian gần đây. Song, đây chỉ là yếu tố mang tính mùa vụ.
Thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai cao, FDI và kiều hối ổn định (ước tính 18 - 20 tỷ USD trong năm nay) được nhận định là những bệ đỡ cho tỷ giá trong năm 2024.
Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tăng lên ở một số thị trường xuất khẩu và tồn kho Mỹ giảm. Song, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến ở các đối tác xuất khẩu chính như châu Âu, Trung Quốc cũng là một rủi ro cần chú ý.
Tuần trước, một loạt các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc bao gồm doanh số bán lẻ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Với việc nền kinh tế nước này cho thấy rõ các dấu hiệu giảm phát, chính sách tài khóa của Trung Quốc được khuyến nghị cần tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương nước này đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tín dụng hướng vào sản xuất nhiều hơn vào tiêu dùng. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ chậm lại ở mức +4,6% trong năm nay.
Hôm 24/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng thêm 0,5%, hiệu lực từ ngày 5/2/2024. Động thái này được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm lượng vốn quy mô khoảng 1 nghìn tỷ CNY (tương đương 140 tỷ USD) vào nền kinh tế; đồng thời, gửi tín hiệu hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng và xoa dịu thị trường chứng khoán đang lao dốc.
Lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đầu tiên trong năm nay diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần đánh mất động lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh khủng hoảng trên thị trường bất động sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu.