Giá vàng đang gặp kháng cự mạnh, cần chất xúc tác để bứt phá
Một số nhà phân tích cho rằng giá kim loại quý này đang đứng trước một ngưỡng kháng cự mạnh và cần phải có chất xúc tác mới có thể tăng cao hơn...
Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/8), duy trì xu thế tăng nhẹ trên ngưỡng chủ chốt 2.500 USD/oz và cách không xa mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tuần trước. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá kim loại quý này đang đứng trước một ngưỡng kháng cự mạnh và cần phải có chất xúc tác mới có thể tăng cao hơn.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 6,3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,26%, đạt 2.524,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng 0,5 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương tăng 0,02%, giao dịch ở mức 2.525,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 76,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Kỷ lục mọi thời đại của giá vàng giao ngay là mức 2.531,6 USD/oz thiết lập vào tuần trước.
Đồng USD yếu, duy trì ở vùng đáy của gần 2 năm, vẫn đang là yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang chờ báo cáo lạm phát Mỹ công bố trong tuần này để có căn cứ rõ ràng hơn cho việc xác định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp tháng 9.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,3% trong phiên ngày thứ Ba, chốt phiên ở mức 100,55 điểm. Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, chỉ số này đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
“Đồng USD giảm giá mang lại cho giá vàng lực hỗ trợ trong phiên này. Việc giá vàng giảm vào đầu phiên cũng dẫn tới nhu cầu bắt đáy”, chiến lược gia Bob Haberkorn của công ty RJO Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng nhất của tuần này là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Với khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã chắc chắn, nhà đầu tư sẽ dựa vào “độ nóng” của báo cáo PCE để căn chỉnh kỳ vọng vào tốc độ giảm lãi suất của Fed.
Dữ liệu PCE nếu nóng hơn dự báo có thể ảnh hưởng nhẹ đến chính sách của Fed, nhưng Fed vẫn sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và có thể tiếp tục giảm thêm trước khi kết thúc năm nay - theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang tin kim loại quý Kitco Metals.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 18/6, với khả năng hạ 0,25 điểm phần trăm là 36% và khả năng hạ 0,5 điểm phần trăm là 64%. Về các cuộc họp tháng 11 và 12 của Fed, khả năng giảm lãi suất trong mỗi lần họp cũng đang là 100%.
Giá vàng đang cho thấy khả năng duy trì tốt mốc tâm lý quan trọng 2.500 USD/oz và tiến tới hoàn tất năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2020. Việc Fed tiến tới hạ lãi suất, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông giữ vai trò là những yếu tố nền tảng cho sự tăng giá này của vàng.
Tuy nhiên, xung lực tăng của giá vàng dựa trên những yếu tố kể trên dường như đã gần cạn ở thời điểm hiện tại. Vì lý do này, giá vàng có chiều hướng chững lại và cần yếu tố tác động mới để có thể có những thay đổi rõ rệt hơn.
“Phần lớn thông tin có lợi cho giá vàng có thể đã được phản ánh vào giá vàng rồi. Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này, tiềm năng tăng giá mạnh của vàng là không nhiều”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Trưởng chiến lược Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank đồng tình với quan điểm trên.
“Giá vàng đã phản ánh hết khả năng Fed khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Bởi vậy, giá vàng sẽ khó đạt được mức cao hơn rõ rệt trong ngắn hạn, trừ phi số liệu kinh tế Mỹ yếu đi nhiều - cơ sở để Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì giảm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9”, ông Hansen nói với hãng tin CNBC.
Chiến lược gia này dự báo giá vàng sẽ tích lũy trong những tháng sắp tới, nhưng khả năng giảm sâu về ngưỡng 2.400 USD/oz là thấp.
Ở góc độ kỹ thuật, nhà phân tích Vladimir Zernov cũng cho rằng giá vàng đang ở thế “mắc kẹt”.
“Giá vàng đang bị kẹt dưới vùng kháng cự quan trọng 2.520-2.530 USD/oz do các nhà giao dịch đang chờ có thêm chất xúc tác mới. Cấu hình kỹ thuật hiện nay vẫn có lợi cho vàng, nhưng vàng cần đạt được mức giá đóng cửa trên 2.530 USD/oz để xung lực tăng mạnh lên”, ông Zernov nhận định trên Kitco News.
Giá vàng đã liên tục lập kỷ lục trong năm nay, hiện tăng khoảng 22% so với đầu năm. Nhiều chuyên gia giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn.
“Giá vàng có thể vượt ngưỡng 2.700 USD/oz trước cuối năm nay nếu Fed giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trước Giáng sinh như kỳ vọng hiện tại của thị trường”, trưởng phân tích Han Tan của công ty Exinity Group nói với CNBC. “Tháng 12 cũng là tháng có mức tăng bình quân cao nhất của giá vàng tỏng 5 năm qua. Nếu tính chất mùa vụ này trở lại trong năm nay, các nhà đầu cơ vàng giá lên có thể ăn mừng lớn”.