Giá vàng giằng co dưới sức ép của đồng USD mạnh lên
Giới đầu tư vàng ít nhiều thất vọng khi nghe tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn chưa mua ròng vàng trở lại...
Giá vàng thế giới chật vật dưới mốc chủ chốt 2.400 USD/oz do đồng USD tiếp tục hồi phục gây áp lực lên thị trường kim loại quý. Trong ngắn hạn, giá vàng dường như khó bứt phá dù tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng hạ lãi suất ở Mỹ và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Lúc gần 10h trưa nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 6,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,26%, giao dịch ở mức 2.390,6 USD/oz. Mức giá này tương đương gần 73 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng giao ngay giảm 7,3 USD/oz, tương đương giảm 0,3%, chốt ở mức 2.384,4 USD/oz.
Đợt bán tháo trong tuần này khiến giá vàng không giữ được mốc chủ chốt 2.400 USD/oz. Mối lo suy thoái kinh tế Mỹ và việc các nhà giao dịch ồ ạt rút khỏi vị thế carry-trade đồng yên Nhật đã khiến vàng không thể phát huy được vai trò kênh đầu tư an toàn. Nhiều nhà đầu tư đã phải bán vàng để bù lỗ cho danh mục cổ phiếu hoặc mua vào đồng yên Nhật để cắt lỗ bán khống do yên tăng giá quá nhanh.
Phiên ngày thứ Ba và thứ Tư, thị trường tài chính toàn cầu đã ổn định trở lại và áp lực bán tháo trên thị trường vàng cũng được giải tỏa. Tuy nhiên, giá vàng khó bứt phá cả tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng.
Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 103,2 điểm, từ mức dưới 103 điểm của phiên trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 3,95%, từ mức 3,91% của phiên trước. Ở mức này, lợi suất của kỳ hạn 10 năm đã quay trở về mức trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào hôm thứ Sáu tuần trước - điểm dữ liệu yếu hơn dự báo và làm dấy lên mối lo suy thoái kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu kinh tế Mỹ thực sự rơi vào suy thoái, vàng sẽ đến lúc phát huy vai trò “hầm trú ẩn” truyền thống. “Nếu các số liệu kinh tế tiếp theo cho thấy mối lo suy thoái kinh tế là hợp lý, giá vàng sẽ thiết lập kỷ lục mới trong những tháng sắp tới”, nhà phân tích Everett Millman của công Gainesville Coins phát biểu.
Trong trường hợp Mỹ suy thoái kinh tế, Fed sẽ phải giảm mạnh lãi suất để ứng phó, tạo ra một môi trường thuận lợi cho giá vàng tăng.
Theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược 100% Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần trong các cuộc họp vào tháng 9-11-12, với mức giảm có thể lên tới 0,5 điểm phần trăm mỗi lần.
Rủi ro địa chính trị ở Trung Đông cũng có thể hỗ trợ giá vàng. Khu vực này đang đối mặt khả năng xảy ra hàng loạt cuộc tấn công mới của Iran và đồng minh nhằm trả đũa việc một số thủ lĩnh của phiến quân Hamas và Hezbollah thiệt mạng gần đây. Các cuộc tấn công như vậy có thể khiến xung đột ở dải Gaza lan rộng thành một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông.
Phiên giao dịch ngày 8/8, thị trường sẽ theo dõi báo cáo số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tuần qua.
“Báo cáo thất nghiệp hàng tuần công bố vào ngày thứ Năm sẽ xác nhận nền kinh tế có đang thực sự giảm tốc hay không, nhất là thị trường việc làm”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận định.
Tuy nhiên, giới đầu tư vàng ít nhiều thất vọng khi nghe tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn chưa mua ròng vàng trở lại. Theo dữ liệu được Hội đồng Vàng Thế giới công bố ngày 7/8, dự trữ vàng của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 7 giữ nguyên ở mức 2.264 tấn không thay đổi so với tháng trước, giá trị chiếm khoảng 5% trong tổng dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Trung Quốc không mua thêm vàng dự trữ. Dù vậy, giá trị của số vàng dự trữ này đã tăng lên mức 176,64 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 7, từ mức 169,7 tỷ USD vào cuối tháng 6, do giá vàng tăng.
“Nhu cầu vàng ở phương Tây có cải thiện một chút gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn là nước mua nhiều vàng nhất và nếu họ dừng mua, việc đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vàng toàn cầu”, ông Millman phát biểu.