Giá vàng “lặng sóng”, giới chuyên gia nghi sắp có biến động lớn
Giới phân tích cho rằng sau một thời gian giằng co trong vùng biên độ hẹp, giá vàng quốc tế có thể sắp bước vào một đợt biến động mới, hoặc tăng mạnh hoặc giảm sâu...
Giá vàng thế giới giảm nhẹ sáng nay (19/6) khi bước sang tuần giao dịch mới, giá vàng trong nước cũng không có nhiều thay đổi so với cuối tuần. Giới phân tích cho rằng sau một thời gian giằng co trong vùng biên độ hẹp, giá vàng quốc tế có thể sắp bước vào một đợt biến động mới, hoặc tăng mạnh hoặc giảm sâu.
Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.956,3 USD/oz, giảm 2,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước tại Mỹ. Mức giá này tương đương gần 55,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Bảy.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 55,98 triệu đồng/lượng và 56,83 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,2 triệu đồng/lượng, trong khi giá sản phẩm vàng 999,9 khác cao hơn xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng.
Từ đầu tháng tới nay, giá vàng thế giới đã ổn định trong khoảng từ 1.940 USD/oz đến dưới 2.000 USD/oz. Nhưng theo trang Kitco News, giới phân tích cho rằng sau vài tuần giằng co đi ngang, giá vàng đã sẵn sàng cho biến động mạnh hơn, hoặc có thể tăng mạnh, hoặc có thể giảm sâu.
“Vàng đã giao dịch đi ngang trong thời gian đủ lâu để chúng ta chuẩn bị có một động thái lớn hơn theo một trong hai hướng, hoặc là kiểm tra lại mức 1.880 USD/oz hoặc tăng trở lại vùng 2.000 USD/oz”, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins Everett Millman nói với Kitco News.
Nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới giá vàng trong tuần vừa rồi là quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngân hàng trung ương của ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra những quyết định hoàn toàn không có sự đồng nhất: Fed giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất. Sự phân ly chính sách tiền tệ này ít nhiều khiến nhà đầu tư hoang mang, và điều đó lý giải cho biến động yếu ớt của giá vàng sau khi các quyết định lãi suất được công bố.
Về phần mình, Fed phát tín hiệu cứng rắn khi nói rằng lạm phát ở những bộ phận chủ chốt của lĩnh vực dịch vụ “vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu suy giảm”. Trong dự báo “dot plot”, Fed dự tính sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay, đồng nghĩa với việc có thêm 2 đợt tăng 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trước khi kết thúc năm 2023. Tuy nhiên, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này, sau 10 lần tăng liên tiếp với tổng mức tăng 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3 năm ngoái.
“Những gì Fed đưa ra trong cuộc họp vừa rồi có tính chất ‘trung tính’ với vàng. Việc tạm dừng tăng lãi suất là tốt cho vàng. Nhưng Fed vẫn có ý định tiếp tục tăng lãi suất, nên đây là một sự tạm dừng đầy cứng rắn. Và đó là lý do tại sao vàng đã giao dịch đi ngang”, ông Millman giải thích.
Nhận định về môi trường của giá vàng hiện nay, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng đây là một môi trường khó khăn “vì chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng và các quan chức Fed có những phát biểu cứng rắn”.
Ngoài ra, “có vẻ như thị trường đang tin chắc rằng Fed sắp hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nên giới đầu tư đổ xô mua cổ phiếu. Điều này làm suy giảm vai trò kênh đầu tư an toàn của vàng”, ông Moya nói thêm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng tại họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không cam kết tăng lãi suất vào tháng 7, mà thay vào đó nói rằng Fed sẽ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. “Ông Powell đang để ngỏ các khả năng. Có thể lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống. Ông ấy không muốn từ trói mình vào một cam kết nào cả. Đó là lý do giá vàng không tụt về 1.900 USD/oz. Nếu tại họp báo, ông Powell tái khẳng định dự báo ‘dot plot’ là có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, giá vàng đã lao dốc về 1.900 USD/oz rồi”, ông Moya phát biểu.
Còn theo ông Millman, vẫn có nguy cơ xảy ra một đợt bán tháo đáng kể trên thị trường vàng, tương tự những gì đã xảy ra trong hai năm qua khi vàng đạt 2.000 USD/oz. Ông nói: “Diễn biến tiếp theo rất có thể xảy ra đối với vàng là giá giảm sâu hơn”.
Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ hướng đến phiên điều trần kéo dài 2 ngày của ông Powell trước Hạ viện và Thượng viện, cũng như phát biểu của các quan chức Fed khác và các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ.
“Vàng sẽ đối mặt với nhiều tín hiệu lẫn lộn trong tuần này, đến từ các diễn giả của Fed, chỉ số nhà quản trị mua hàng và việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Về lý thuyết, chúng ta vẫn có thể thấy tâm lý ham thích rủi ro được duy trì trên thị trường, và điều này sẽ khiến vàng biến động”, ông Moya phát biểu.
Đồng USD khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế tăng nhẹ. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng nhẹ trên mức 102,3 điểm. Tuần trước, chỉ số giảm 1,2%.
Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 23.360 đồng (mua vào) và 23.700 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức chốt của tuần vừa rồi. Tuần trước, giá USD niêm yết tại ngân hàng này tăng 50 đồng.