10:44 28/12/2022

Giá vàng miếng bất ngờ giảm sâu dù thế giới tăng mạnh

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới đang ở vùng cao nhất kể từ ngày 27/6 nhờ được hỗ trợ bởi lạc quan từ việc Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - nới lỏng các quy định chống Covid-19...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch đêm qua, lên mức cao nhất trong 6 tháng, nhờ lạc quan về việc Trung Quốc tiến tới mở cửa trở lại. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (28/12) sụt mạnh, khiến khoảng cách giá vàng trong nước-thế giới rút ngắn nhiều.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,6 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm tương ứng 350.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,85 triệu đồng/lượng và 53,7 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,8 triệu đồng/lượng và 66,6 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Trong khi đó, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ngày 27/12 tại thị trường New York với mức tăng 15,3 USD/oz, tương đương tăng gần 0,9%, đạt 1.814,8 USD/oz.

Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.812,3 USD/oz, giảm 2,5 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ. Mức giá này tương đương 51,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,3-15,4 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Giá vàng thế giới đang ở vùng cao nhất kể từ ngày 27/6 nhờ được hỗ trợ bởi lạc quan từ việc Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - nới lỏng các quy định chống Covid-19 và tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế. Đồng USD giảm giá nhẹ cũng hỗ trợ thêm cho giá vàng, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng hạn chế mức tăng của kim loại quý này.

“Vàng đang hưởng lợi từ việc Trung Quốc tiếp tục nới các hạn chế chống Covid, vì thị trường kỳ vọng nhu cầu tại thị trường này sẽ khởi sắc”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mức 104,3 điểm, hầu như không thay đổi so với sáng hôm qua. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt gần cao nhất trong hơn 1 tháng.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm tới nay. Đơn vị: USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm tới nay. Đơn vị: USD/oz.

Đến nay, giá vàng đã tăng gần 200 USD/oz kể từ khi rớt xuống mức thấp nhất hơn 2 năm vào cuối tháng 9. Cơ sở của sự phục hồi này là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Kỳ vọng này chính là nhân tố khiến đồng USD suy yếu và làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không mang lãi suất.

“Các nhà đầu cơ vàng giá lên đang có lợi thế về kỹ thuật trong ngắn hạn. Trên biểu đồ kỹ thuật hàng ngày, giá vàng đã ở trong xu hướng giá lên được 7 tuần”, và ngưỡng cản đầu tiên là 1.825 USD/oz - nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá ở mức 23.450 đồng (mua vào) và 23.770 đồng (bán ra), giảm 30 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhìn về năm 2023, giới chuyên gia nói chung bày tỏ quan điểm thận trọng, cho rằng giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, và chính sách lại phụ thuộc vào tình hình lạm phát. Nếu lạm phát suy yếu, các ngân hàng trung ương sẽ trở nên mềm mỏng hơn và giá vàng sẽ hưởng lợi. Nhưng mặt khác, nếu lạm phát xuống chậm, các ngân hàng trung ương sẽ phải duy trì sự cứng rắn, và điều đó sẽ không có lợi cho giá vàng.