11:16 04/03/2022

Giá vàng miếng cao chưa từng thấy, “vênh” thế giới gần 14 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/3) lập đỉnh cao lịch sử mới và tiếp tục chênh lệch “khủng” so với giá vàng thế giới quy đổi...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng do nhu cầu phòng ngừa rủi ro giữa xung đột Nga-Ukraine, nhưng đà tăng bị cản một phần do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tăng lãi suất. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/3) lập đỉnh cao lịch sử mới và tiếp tục chênh lệch “khủng” so với giá vàng thế giới quy đổi.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng  ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,65 triệu đồng/lượng và 55,55 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,75 triệu đồng/lượng và 67,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của giá vàng miếng trong nước, cho dù giá vàng thế giới chưa tái lập ngưỡng kỷ lục trên 2.000 USD/oz ghi nhận vào tháng 8/2020. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh xấp xỉ 14 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Lúc gần 11h trưa, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.941,5 USD/oz, tăng 4 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 53,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay tăng 7,8 USD/oz, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 1.937,5 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 3 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 3 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

“Giá vàng đang phụ thuộc nhiều vào các diễn biến của xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, giá vàng cũng đang bắt đầu bị chi phối bởi triển vọng lãi suất trước thềm cuộc họp tháng 3 của Fed”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định.

Tuy nhiên, theo bà Cooper, áp lực giảm giá đối với vàng từ triển vọng chính sách tiền tệ thắt chặt đã giảm đi so với thời gian trước vì nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ phải giãn tiến độ tăng lãi suất do khủng hoảng Nga-Ukraine có thể tác động bất lợi đến kinh tế Mỹ.

Trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ vào thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ vì giá cả leo thang sẽ cản trở tiêu dùng và đầu tư.

“Kỳ vọng nâng lãi suất đã giảm bớt, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3. Ngoài nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro, xung đột Nga-Ukraine cũng có tác động đến thị trường vàng vật chất, vì Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nối lại việc mua vàng”, bà Cooper phát biểu.

Đồng USD trên thị trường quốc tế đang tăng giá mạnh, với chỉ số Dollar Index đang ở mức cao nhất gần 2 năm. Trong phiên châu Á sáng nay, chỉ số này lên gần 98 điểm, từ mức 97,5 điểm vào sáng qua.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.430 đồng (mua vào) và 23.480 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.700 đồng và 22.980 đồng, không thay đổi so với hôm qua.