10:50 14/04/2022

Giá vàng miếng dập dình trước ngưỡng 70 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Một số phân tích nhận định giá vàng có vẻ đang “phớt lờ” việc Fed nâng lãi suất và “chỉ tập trung vào câu chuyện lạm phát”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giữ đà tăng, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (14/4) giảm nhẹ dưới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vẫn duy trì ở ngưỡng 15 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,23 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm tương ứng 20.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,85 triệu đồng/lượng và 56,65 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,25 triệu đồng/lượng và 69,85 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng sáng nay cao hơn 15,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,2 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Chênh lệch rút ngắn cho thấy giá vàng miếng đang tăng chậm hơn so với thế giới.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.977,5 USD/oz, giảm 0,8 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 54,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.740 đồng và 23.020 đồng, tương ứng giá mua và bán, không thay đổi so với sáng qua.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD/oz, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 1.978,3 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Giá vàng thế giới đang ở vùng đỉnh của 1 tháng do nhu cầu phòng ngừa lạm phát của nhà đầu tư. Số liệu mới công bố cho thấy lạm phát tháng 3 ở Mỹ cao nhất 40 năm, lạm phát ở Anh cũng lập đỉnh của 30 năm. Vai trò kênh đầu tư chống lạm phát của vàng có vẻ đang lấn át sức ép giảm giá đối với kim loại quý này từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhà phân tích Edward Meir thuộc ED&F Man Capital Markets nhận định giá vàng có vẻ đang “phớt lờ” việc Fed nâng lãi suất và “chỉ tập trung vào câu chuyện lạm phát”.

Giá vàng còn được hỗ trợ khi tỷ giá đồng USD rời khỏi đỉnh của 2 năm. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã giảm về ngưỡng 99,7 điểm trong phiên sáng nay, từ mức hơn 100 điểm của ngày hôm qua.

Chiến lược gia Daniel Pavilonis của RJO Futures cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ còn ở mức cao trong một thời gian dài trước khi có thể hạ nhiệt, và môi trường như vậy có lợi cho giá vàng.

“Nền kinh tế Mỹ đang nhập khẩu lạm phát. Áp lực lạm phát đang đến từ sự khan hiếm hàng hoá và trở ngại trong vận tải liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Pavilonis phát biểu.

Chiến tranh Nga-Ukraine chưa có hồi kết cũng là một nhân tố hỗ trợ giá vàng, bởi nhà đầu tư có nhu cầu mua vàng để phòng ngừa rủi ro từ cuộc chiến này. Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đàm phán hoà bình Nga-Ukraine đã lâm vào “ngõ cụt” – một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy cuộc chiến sẽ kéo dài.

Theo chiến lược gia Edward Moya của Oanda, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. “Khi chiến tranh ở Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát sẽ càng tăng lên. Có nhiều lý do để nhà đầu tư mua những tài sản an toàn như vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng rất cao, nhưng giá vàng vẫn trụ vững. Chúng tôi dự báo có thể có thêm những cú sốc nữa về giá hàng hoá cơ bản”, ông Moya nói.