11:04 18/08/2022

Giá vàng miếng trong nước tăng bất chấp giá thế giới lao dốc

Điệp Vũ

Môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu để chống lạm phát vẫn đang là nhân tố gây sức ép giảm giá đối với kim loại quý...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (18/8) đi ngang hoặc tăng nhẹ, dù giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh do đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7. Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vì thế tiếp tục kéo giãn.

Lúc hơn 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tương ứng đi ngang và tăng 50.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,2 triệu đồng/lượng và 53 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi sáng nay đã giảm khoảng 350.000 đồng/lượng so với sáng qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,05 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn khoảng 16,7 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.764,7 USD/oz, tăng 2,1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 50,05 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng giảm 14 USD/oz, tương đương giảm 0,79%, còn 1.762,6 USD/oz.

Vàng tụt giá do đồng USD tiếp tục mạnh lên sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới đây nhất. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức hơn 106,6 điểm, từ mức 106,4 điểm vào sáng hôm qua.

Nội dung biên bản cho thấy Fed giữ vững quyết tâm chống lạm phát, nhưng phát tín hiệu có thể điều chỉnh tiến độ tăng lãi suất tuỳ theo điều kiện thị trường. Trước đó, giới đầu tư đã “phập phồng” hy vọng rằng Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất sau khi dữ liệu tháng về tháng 7 cho thấy lạm phát ở Mỹ đã dịu đi. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ giảm bớt độ cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi thuộc phe tin rằng Fed sẽ không xoay trục chính sách”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute phát biểu trên CNBC. “Biên bản cuộc họp của Fed không hề khiến chúng tôi thay đổi quan điểm chút nào. Tôi cho rằng mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vẫn có thể được áp dụng trong cuộc họp tháng 9, và chúng ta sẽ chứng kiến thêm những đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay”.

Chính sự hoài nghi này đã đẩy đồng USD tăng giá và gây áp lực mất giá lên vàng.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz.

Môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu để chống lạm phát vẫn đang là nhân tố gây sức ép giảm giá đối với kim loại quý. Số liệu thống kê của Anh công bố ngày 17/8 cho thấy lạm phát ở nước này lên tới 10,1% trong tháng 7, cao nhất từ tháng 2/1982.

Để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đến nay đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp. Đầu tháng này, BoE có đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995, với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Giới phân tích dự báo bước nhảy lãi suất này sẽ lặp lại trong cuộc họp tiếp theo của BoE.

Tiếp tục phản ánh tâm trạng bi quan của giới đầu tư vàng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 3 tấn vàng trong phiên ngày 17/8, giảm nắm giữ còn hơn 989 tấn. Trong hơn 1 tuần, quỹ này đã bán ròng gần 10 tấn vàng.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.265 đồng (mua vào) và 23.545 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.