10:58 11/08/2021

Giá vàng “nín thở” đợi báo cáo lạm phát Mỹ, USD ngân hàng đột ngột tuột mốc 23.000 đồng

Điệp Vũ

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn từ 8,9-9,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng còn chịu sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng nay lên gần 1,36%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới ít biến động phiên đêm qua và sáng nay (11/8), khi giới đầu tư toàn cầu đợi công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào đêm nay theo giờ Việt Nam.

Giá vàng trong nước cũng hầu như không thay đổi và tiếp tục chênh cao hơn giá vàng quốc tế trên 9 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD ngân hàng sụt dưới ngưỡng 23.000 đồng.

Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco.com là 1.735 USD/oz, tăng 5,2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương chưa đầy 48 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Cùng thời điểm, website của Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 56,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi ở cả hai đầu giá so với sáng qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 Phú Quý có giá đi ngang ở mức 50,3 triệu đồng/lượng và 51,3 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng ở mức 56,2 triệu đồng/lượng và 56,9 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.

Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn từ 8,9-9,3 triệu đồng/lượng.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.760 đồng (mua vào) và 22.960 đồng (bán ra), giảm 60 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Từ hôm thứ Sáu tuần trước tới nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm 90 đồng, trong khi xu hướng của đồng USD trên thị trường quốc tế là tăng.

Trong phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD/oz, chốt ở 1.729,8 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.

Đồng USD mạnh lên vẫn đang gây áp lực giảm đối với giá vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh sáng nay dao động quanh ngưỡng 93,1 điểm, từ mức 93 điểm vào sáng qua. Đây là mức cao nhất của chỉ số trong vòng gần 3 tuần trở lại đây.

Ngoài ra, giá vàng còn chịu sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng nay lên gần 1,36%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7, sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD do ông Biden khởi xướng.

Tuần này, nhà đầu tư vàng quốc tế hướng sự chú ý tới các số liệu lạm phát để điều chỉnh kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được đưa ra vào ngày thứ Năm. Ngoài ra, một số quan chức của Fed sẽ có phát biểu trong tuần.

Những số liệu khả quan về thị trường việc làm của Mỹ gần đây đang khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo. Mối lo này đã khiến giá vàng rớt xuống mức đáy 4 tháng trong phiên ngày thứ Hai tuần này trước khi gắng gượng hồi phục.

Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, nói rằng lạm phát cao hiện nay chưa đủ để khiến Fed phải thắt chặt sớm. Ông Evans cho rằng Fed còn phải đợi xem thị trường việc làm diễn biến thế nào trong mấy tháng tới đây trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào về chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, một số quan chức khác của Fed phát biểu gần đây đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, kêu gọi bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng ngay trong năm nay để có thể nâng lãi suất từ năm 2023.

Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu, nhưng việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến vàng suy giảm sức hấp dẫn vì sẽ tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một kênh đầu tư không mang lãi suất.