Một năm sau kỷ lục giá trên 2.000 USD/oz, vàng đang “thất thế”?
Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi giá vàng thế giới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Ở thời điểm hiện tại, kim loại quý này dường như đang “thất thế” trong mắt giới đầu tư toàn cầu...
Vào hôm 6/8/2020, giá vàng giao sau tại thị trường New York đóng cửa ở mức 2.069,4 USD/oz, mức chốt phiên cao chưa từng thấy trong lịch sử. Một ngày sau, giá vàng lập kỷ lục nội phiên ở mức 2.089,2 USD/oz – theo trang MarketWatch.
"BỮA TIỆC" SỚM TÀN CỦA THỊ TRƯỜNG VÀNG
Theo ông William Cai, nhà đồng sáng lập kiêm quản lý danh mục thuộc Wilshire Phoenix, những kỷ lục đó của giá vàng thế giới được thiết lập do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu, tiếp đó do phản ứng của thị trường với chính sách tài khoá và tiền tệ siêu lỏng lẻo mà các quốc gia triển khai để ứng phó với đại dịch.
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc mà Covid-19 gây ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất về gần 0 và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua tài sản. Cùng với đó, Chính phủ Mỹ tung ra những gói kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD. Các biện pháp tương tự, ở quy mô khác nhau, cũng được triển khai ở nhiều nền kinh tế khác. Tất cả đều có tác dụng kích thích sự tăng giá của vàng - kênh đầu tư giúp bảo toàn giá trị trong môi trường lãi suất giảm và cung tiền tăng.
“Một cơn bão hoàn hảo đang hình thành để đẩy giá vàng lên cao hơn nhiều”.
Nhà môi giới Drew Rathgeber thuộc AIO Capital
Nhưng “bữa tiệc” trên thị trường vàng toàn cầu không kéo dài lâu. Giá kim loại quý này đến nay đã giảm khoảng 12% từ mức kỷ lục và có thể hoàn tất năm giảm đầu tiên kể từ năm 2018.
Theo ông Cai, việc vàng giảm giá từ mức kỷ lục là một “sự điều chỉnh lành mạnh”, và thị trường đang nghiền ngẫm về tác động của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, cũng như những điều chỉnh chính sách có thể sắp diễn ra.
Các chính sách của Fed đã làm giảm bớt sự bất ổn trên thị trường tài chính, theo đó làm suy yếu nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Nhà môi giới hàng hoá giao sau Drew Rathgeber thuộc AIO Capital cho rằng chính sách siêu nới lỏng của Fed góp phần tạo ra một “bong bóng kinh tế” để bù đắp lại ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của Covid-19.
Khi kinh tế hồi phục và lạm phát tăng, giới đầu tư cho rằng sắp đến lúc Fed phải thắt chặt chính sách. Kỳ vọng này cũng gây áp lực giảm lên giá vàng.
Hôm 8/3/2021, giá vàng giao sau giảm còn 1.678 USD/oz, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, do tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng. Gần đây, giá vàng hồi phục và giằng co quanh mốc 1.800 USD/oz.
MÔI TRƯỜNG HOÀN HẢO ĐỂ VÀNG TĂNG GIÁ?
Nhưng mặt khác, ông Cai nhận định lạm phát cao - một hệ luỵ của chính sách tiền tệ nới lỏng - có thể sẽ là một nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung hạn.
Ông Rathgeber cũng không cho rằng vàng đã “hết thời”. “Một cơn bão hoàn hảo đang hình thành để đẩy giá vàng lên cao hơn nhiều”. Lạm phát “sẽ còn ở mức cao trong một thời gian”, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed và việc Fed không nhấn mạnh vấn đề “lạm phát do chi phí đẩy” - sự leo thang chi phí sản xuất và giá nguyên vật liệu thô dẫn tới giá hàng hoá thành phẩm tăng cao.
Fed vẫn nói lạm phát tăng cao ở Mỹ trong năm nay là “vấn đề tạm thời” - một tín hiệu rằng Fed sẽ không vội thắt chặt chính sách tiền tệ. Hôm 28/7, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, Fed tái khẳng định quan điểm lạm phát cao sẽ không kéo dài. Fed nói nền kinh tế Mỹ đã có bước tiến, nhưng chưa đủ để Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.
Dù nhiều nhà đầu tư không tin vào nhận định này của Fed, nhưng những gì Fed nói vẫn hỗ trợ giá vàng. Bởi lẽ, điều này có nghĩa là vàng sẽ ở trong môi trường vừa có lạm phát cao, vừa có chính sách tiền tệ nới lỏng - không thể hoàn hảo hơn để tăng giá.
Ông Matt Psarras, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của GoldCore USA, nói rằng Fed “đang mắc kẹt”. Nếu lạm phát không “tạm thời” như Fed nói mà kéo dài, một vòng xoáy tăng giá có thể xuất hiện và rốt cục trở thành một “cuộc tấn công” nhằm vào người tiêu dùng” vì tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đang thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của chi phí sinh hoạt.
Khi tiền mất giá, vàng sẽ tăng giá - ông Psarras nói. Và nếu vấn đề nợ nần diễn biến xấu, giá vàng có thể tăng theo biểu đồ hình parabol vì giới đầu tư sẽ ồ ạt gom mua để phòng ngừa rủi ro.
Ông Psarras nhận định với MarketWatch rằng mức giá 1.800 USD/oz hiện nay của vàng là “quá rẻ”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của vàng trong việc “kiềm chế cảm xúc của nhà đầu tư trong thời điểm khủng hoảng mà không khiến họ phải tham gia nhiều vào thị trường”.
“Vàng không thể giảm giá về 0, trong khi hầu hết mọi thứ đều có thể”, ông Psarras nói.
Về triển vọng giá vàng thời gian tới, ông Psarras lưu ý các yếu tố cần theo dõi bao gồm lãi suất, nợ, và lạm phát. Nếu lãi suất tăng, lạm phát giữ ở mức bình thường, và mức nợ bền vững hơn, giá vàng sẽ suy yếu vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm.
Ngược lại, nếu lãi suất giữ ở mức thấp hoặc giảm sâu hơn, hoặc lạm phát tăng và xảy ra tình trạng “stagflation” (lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế trì trệ), giá vàng sẽ có lý do để tăng mạnh.
Cho dù thế nào, nhìn về dài hạn, việc phân bổ 10% danh mục đầu tư vào vàng là hợp lý - ông Psarras khuyến nghị.