09:07 02/07/2024

Giá vàng tăng chậm trong lúc chờ tin Fed

Điệp Vũ

Kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 đang tăng lên và hỗ trợ giá vàng, nhưng chưa đủ để tạo ra bứt phá mới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng yếu trong lúc nhà đầu tư chờ các thông tin mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này. Kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 đang tăng lên và hỗ trợ giá vàng, nhưng chưa đủ để tạo ra bứt phá mới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 5,6 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,2%, chốt ở mức 2.332,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Lúc gần 8h sáng nay (2/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.333,2 USD/oz, tăng 0,6 USD/oz so với chốt phiên Mỹ. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 71,6 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

“Một số nhà đầu tư trên thị trường vàng giao sau đang mua vào để đóng trạng thái bán khống, và một số nhà đầu tư trên thị trường vàng giao ngay cũng mua vì tin đây là mức giá hợp lý. Giá vàng còn được hỗ trợ bởi đà tăng gần đây của giá dầu thô và việc đồng USD yếu đi”, nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco News nhận định.

Tuy nhiên, ông Wyckoff dự báo “giá vàng có thể tiếp tục di chuyển ngang, hoặc di chuyển ngang thiên về giảm trong thời gian còn lại của mùa hè”.

Số liệu công bố ngày thứ Hai cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6 vừa qua và giá mua nguyên liệu đầu vào của các nhà máy giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng do nhu cầu hàng hóa suy yếu. Những dữ liệu này cho thấy áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục giảm về mục tiêu 2% của Fed.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 91,2% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7. Cùng với đó, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tăng lên mức 65,3% từ mức hơn 62% vào hôm thứ Sáu và mức dưới 46% cách đây hơn 1 tháng.

Tuần này, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa ngày thứ Năm để nghỉ lễ Quốc khánh 4/7. Ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6 - điểm dữ liệu có thể chi phối quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong thời gian tới.

Ngoài ra, thị trường còn chờ một bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Ba, và tiếp đến là biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed được công bố vào ngày thứ Tư.

Theo nhà phân tích Gary Wagner của Kitco Metals, kỳ vọng gia tăng về việc Fed giảm lãi suất trong tháng 9 đang tạo ra một lực hỗ trợ vững chắc cho giá vàng, dù giá kim loại quý này vẫn cần tới những chất xúc tác mạnh mẽ hơn để có thể bứt phá.

“Ông Powell có thể sẽ giữ quan điểm rằng Fed sẽ hành động tùy theo các dữ liệu kinh tế. Bởi vậy, nếu báo cáo việc làm trong tuần này yếu hơn dự báo, giá vàng có thể tăng mạnh”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói với hãng tin Reuters.

Tỷ giá đồng USD không có nhiều biến động trong phiên đầu tuần, với chỉ số Dollar Index dao động trong khoảng 105,8-105,9 điểm, xấp xỉ mức chốt của tuần trước. Trong tuần trước, có lúc Dollar Index vượt 105 điểm, cao nhất 2 tháng.

Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã khiến mức tăng của giá vàng bị hạn chế trong phiên ngày thứ Hai. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng gần 13 điểm cơ bản, lên mức 4,471%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 4 điểm cơ bản, lên 4,762%.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 10 tấn vàng trong tháng 5, giảm 56% so với mức mua ròng của tháng 4 và thấp hơn nhiều mức mua ròng bình quân tháng của 12 tháng gần nhất là 42 tấn.

Dù vậy, việc các ngân hàng trung ương giảm mua ròng vàng trong tháng 5 không khiến giới phân tích ngạc nhiên. Hồi đầu tháng 6, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cho thấy nước này tạm dừng mua ròng vàng dự trữ sau 18 tháng mua liên tiếp. Nhưng giới phân tích cho rằng việc tạm dừng này không có nghĩa Trung Quốc sẽ ngừng hẳn việc mu ròng vàng, một phần bởi vàng mới chỉ chiếm 4,9% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.

Chuyên gia Christopher Vecchio của Tastylive.com nói rằng dựa trên một số dữ liệu, có vẻ như Trung Quốc đã mua vàng trở lại trong một số tuần của tháng 6.

Còn theo WGC, Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua ròng 10 tấn vàng trong tháng 6; Thổ Nhĩ Kỳ mua 6 tấn; Ấn Độ mua 4 tấn; và Czech mua 3 tấn. Ngân hàng Trung ương Kazakhstan bán ròng vàng nhiều nhất trong tháng 5, với lượng bán ròng là 11 tấn.

WGC dự báo năm nay, các ngân hàng trung ương sẽ mua ròng vàng nhiều hơn mức xu hướng của 10 năm qua là 500 tấn.