Giá vàng thế giới thoát đáy 10 tuần, trong nước tái lập mốc 70 triệu đồng/lượng
Nhà đầu tư đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào tuần tới...
Giá vàng thế giới phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần do đồng USD mạnh nhất 2 thập kỷ. Trong nước sáng nay (29/4), giá vàng miếng tái lập mốc 70 triệu đồng/lượng, tiếp tục chênh cao hơn 17 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,58 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,18 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 330.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 230.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,95 triệu đồng/lượng và 55,65 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,5 triệu đồng/lượng và 70,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 17,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,5 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.902 USD/oz, tăng 6,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại Mỹ. Mức giá này tương đương 52,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 500.000 đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.815 đồng (mua vào) và 23.095 đồng (bán ra), giảm 5 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Trong hai ngày, giá USD niêm yết tại ngân hàng này đã giảm 25 đồng.
Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 8,2 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,4%, chốt ở 1.895,2 USD/oz.
Trong phiên, có lúc giá vàng giảm còn 1.877 USD/oz, thấp nhất kể từ hôm 16/2. Đến cuối phiên, giá vàng hồi phục thành công, lấy lại mốc chủ chốt 1.900 USD/oz.
Giá vàng vẫn đang chịu áp lực giảm từ đồng USD mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã vượt mốc 103,8 điểm, cao nhất kể từ cuối năm 2002. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh ngưỡng 103,6 điểm, từ mức 103,1 điểm vào sáng hôm qua.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vững lên cũng là một nhân tố gây sức ép giảm lên vàng ở thời điểm này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD cùng tăng trong lúc nhà đầu tư chờ cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào tuần tới. Tại cuộc họp này, Fed có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và làm rõ hơn về lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát.
Chuyên gia Brian Lan của GoldSilver Central cho rằng giá vàng đang thể hiện khả năng bám trụ tốt mốc 1.900 USD/oz cho dù đồng USD tăng giá mạnh và Fed sắp sửa tăng thêm lãi suất. Tuy nhiên, vị chuyên gia nói rằng trong bối cảnh giá vàng không thể bứt phá dựa vào chiến tranh Nga-Ukraine, giới đầu tư vàng đang chú ý nhiều hơn đến các nhân tố tác động khác như tỷ giá USD, lãi suất ở Mỹ, hay nhu cầu vàng vật chất.
Ông Lan nói thêm rằng phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc đang có ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới. Sức mua ảm đạm là nguyên nhân chính khiến giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc gần đây thường xuyên thấp hơn gái vàng quốc tế.
Chiến lược gia Yeap Jun Rong của IG cho rằng nếu giảm sâu hơn, giá vàng sẽ được hỗ trợ ở ngưỡng 1.850 USD/oz.