12:10 01/04/2023

Giá vàng thế giới tụt mạnh, trong nước giảm nhẹ

Điệp Vũ

Dù vậy, giá vàng thế giới đã tăng 7,2% trong tháng 3 và tăng gần 8% từ đầu năm tới nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (31/3) dù báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ làm dấy lên dự báo rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/4) giảm không đáng kể.

Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 10,8 USD/oz, tương đương giảm 0,55%, còn 1.970,7 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco. Trong phiên, có lúc giá vàng tăng 0,4% nhờ thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ thấp hơn so với dự báo.

Mức giá đóng cửa của giá vàng thế giới tương đương 56,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

“Giá vàng đã tăng nhưng chỉ tăng một chút sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) thân thiện”, nhà phân tích độc lập Tai Wong ở New York nói với hãng tin Reuters. “Các nhà đầu cơ giá lên muốn giá vàng đóng cửa ở mức cao, lý tưởng là trên 2.000 USD/oz, cho quý 1 này, để lấy đó làm bàn đạp cho việc tái lập kỷ lục 2.070 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng có vẻ hơi mệt mỏi rồi”.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy PCE lõi, không bao gồm giá lương thực-thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng 2, ít hơn mức dự báo tăng 0,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Lạm phát suy yếu đồng nghĩa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp bớt cứng rắn hơn trong chính sách tiền tệ - một môi trường có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Tuy nhiên, triển vọng chính sách tiền tệ như vậy cũng giúp cải thiện sự ham thích của nhà đầu tư đối với các hàng hoá cơ bản khác và cổ phiếu, khiến vàng giảm bớt sức hấp dẫn, nhất là sau khi vàng đã phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn trong thời gian gần đây.

Đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Sáu, tạo thêm áp lực giảm giá lên vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,4%, chốt phiên ở mức 102,5 điểm.

Chỉ số này đã giảm 0,6% trong tuần, giảm hơn 1,9% trong tháng 3, và giảm 1% trong quý 1.

Tuần trước, giá vàng có những thời điểm vượt mốc 2.000 USD/oz do cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ dẫn tới đặt cược rằng Fed có thể tạm dừng việc tăng lãi suất để ngăn khủng hoảng lan rộng trong hệ thống. Giá vàng đã hưởng lợi đồng thời từ đặt cược về lãi suất và nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, đỉnh giá này không duy trì được lâu do các nhà chức trách nhanh chóng triển khai các biện pháp khẩn cấp để ổn định tình hình.

Dù vậy, giá vàng thế giới đã tăng 7,2% trong tháng 3 và tăng gần 8% từ đầu năm tới nay.

Giá vàng thế giới tụt mạnh, trong nước giảm nhẹ - Ảnh 1

“Cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô nhỏ đã khiến lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lãi suất cùng giảm đi nhiều, từ đó đẩy giá vàng lên”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,9 triệu đồng/lượng và 55,9 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,25 triệu đồng/lượng và 66,95 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 200.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 10,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC đã giảm 300.000 đồng/lượng trong tuần này, nhưng tăng 250.000 đồng/lượng trong tháng 3 và tăng 300.000 đồng/lượng trong quý 1. So với biến động của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước từ đầu năm đến nay ổn định hơn.

Tỷ giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 23.290 đồng (mua vào) và 23.630 đồng (bán ra), giảm thêm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua. Cả tuần, giá USD tại ngân hàng này giảm 50 đồng.