Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục từ khi mở bán qua kênh ngân hàng thương mại
Biến động cùng chiều với quốc tế, sáng ngày 16/10, giá vàng trong nước đồng loạt tăng, phá kỷ lục được ghi nhận từ khi triển khai bán vàng miếng SJC thông qua ngân hàng thương mại. Ở chiều bán ra, vàng miếng SJC bật tăng lên 86 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn ở mức 84,1 triệu đồng...
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào bán ra ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng mạnh 1 triệu đồng mỗi lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch hôm qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá bán ra cũng ở ngưỡng 86 triệu đồng/lượng.
Đây là mức giá vàng miếng cao nhất được ghi nhận trong vòng nhiều tháng qua, kể từ khi ngân hàng thương mại vào cuộc triển khai bán vàng miếng SJC từ đầu tháng 6/2024.
Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp vàng như: Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn DOJI, PNJ niêm yết ở ngưỡng 84-86 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại các đơn vị đều ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, giá vàng nhẫn do SJC niêm yết loại 1-5 chỉ ở mức 82,3-83,7 triệu đồng/lượng, cao hơn lần lượt 400 nghìn đồng/lượng ở hai chiều. Như vậy, giá vàng nhẫn SJC vượt mức đỉnh đã thiết lập đầu tháng 10/2024 (ở mức 82-83,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra).
Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ cũng neo ở mức cao 83 - 84 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua. Còn giá bán vàng nhẫn thương hiệu DOJI 84,1 triệu đồng.
Trong sáng ngày hôm nay, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.666 USD/ounce, tăng gần 4 USD/ounce so với khi mở cửa. Mức này chỉ thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong phiên 26/9 (2.685 USD/ounce) khoảng 20 USD/ounce.
Sáng 16/10, số liệu từ Wichart cho thấy vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức trên 82 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng bán ra trong nước.
Theo báo cáo mới công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến nợ công toàn cầu sẽ vượt quá 100 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 93% GDP toàn cầu vào cuối năm nay, cao hơn đáng kể so với dự kiến hiện tại. Trong trường hợp xấu nhất, nợ công toàn cầu có thể vượt GDP, tăng lên mức 115% GDP trong 3 năm tới, điều này khiến cho tình hình tài chính của nhiều quốc gia có thể còn tồi tệ hơn dự báo.
Trong suốt phiên giao dịch, chỉ số S&P, Dow và Nasdaq đều gặp khó và kết thúc với mức giảm lần lượt là 0,76%; 0,75% và 1,01%. Cả bitcoin và vàng tiếp tục tăng giá trong bối cảnh kinh tế không ổn định ngày càng gia tăng.
Thông tin từ Hội nghị kim loại quý vừa diễn ra vào ngày 13 - 15/10 tại Mỹ, giá vàng được dự đoán sẽ tiếp tục lập kỷ lục trong vòng 12 tháng tới, còn bạc vẫn là tài sản cần theo dõi trong năm 2025.
Theo cuộc khảo sát hàng năm được Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA) năm 2024 công bố, 45% số người tham gia khảo sát kỳ vọng bạc sẽ tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, 37% tin rằng vàng sẽ là tài sản hàng đầu trong ngành, bạch kim ở vị trí thứ ba với 16% số đại biểu dự đoán kim loại quý này sẽ tỏa sáng nhất trong một năm nữa; chỉ có 2% số người lựa chọn palladium.