09:05 02/07/2009

Giá xăng, dầu liên tục tăng và những quan ngại

Lê Hường

Việc tăng giá xăng dầu liên tục đang gây sức ép với nhiều ngành sản xuất

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, xăng dầu đã qua 5 lần tăng giá, với các mức tăng giá từ 500 - 1.000 đồng/lít.
Tính từ đầu tháng 4 đến nay, xăng dầu đã qua 5 lần tăng giá, với các mức tăng giá từ 500 - 1.000 đồng/lít.
Ngày 30/6 có thông tin về đề xuất tăng giá xăng dầu từ các doanh nghiệp. Sáng 1/7, quyết định chấp thuận tăng giá xăng dầu được công bố. Bên cạnh nỗi lo về sức ép phải tiêu tiền nhiều hơn trong nửa cuối năm, người tiêu dùng vẫn chưa quen với những cú sốc tăng giá xăng dầu.

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, xăng dầu đã qua 5 lần tăng giá, với các mức tăng giá từ 500 - 1.000 đồng/lít. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện giá xăng cao hơn khoảng 30% so với quý 2/2008. Với dầu diezel, con số này là 20%.

Trong tuần qua, hầu hết các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Tp.HCM đã tăng giá cước thêm 500 đồng/km. Trong khi các doanh  nghiệp vận tải hành khách vẫn cố giữ giá trong sức chịu đựng của mình. Tuy nhiên, với đợt tăng giá này, chuyện tính toán về tăng giá cước vận tải hành khách và hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải sử dụng dầu diezel lại được đặt lên bàn.

“Mức giá cao hiện nay đang “ép” các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước, trước hết là để bù đắp chi phí”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết.

Việc tăng giá xăng dầu ngày 1/7 cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Theo ông Nguyễn Tín Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, để sản xuất ra một tấn thép cần 40 kg mazut. Cộng hai lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất thì mỗi kg mazut tăng 1.500 đồng, như vậy, mỗi tấn thép sẽ phải đội lên thêm 60.000 đồng do chi phí nhiên liệu tăng.

Dự kiến, tổng lượng thép sản xuất đưa ra thị trường 6 tháng cuối năm ước khoảng 1,9 triệu tấn. Như vậy, chỉ tính riêng mức tăng chi phí nhiên liệu, ngành thép đã phải bù thêm 114 tỉ đồng. Hiện giá thép xuất xưởng trong nước của Tổng công ty Thép Việt Nam dao động từ 10,6-10,8 triệu đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT). Theo dự báo của ông Nghi, giá thép sẽ tăng khoảng 60.000 đồng/tấn để bù lại cho phần chi phí do ma dút tăng.

Bình luận về cơ chế điều hành giá xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyện tăng giá xăng dầu liên tục, khiến các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu quan ngại. Thứ nhất, quy định của quỹ bình ổn là mỗi lần chỉ tăng tối đa 500 đồng/lít, mức tăng trong 2 đợt tăng giá vừa qua một lần nữa cho thấy quỹ bình ổn là vô hiệu.

Thứ hai, trong thời gian gần đây, diễn biến xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, mức tăng giá xăng của thị trường thế giới chưa đủ mạnh để tạo những đột biến về giá trên thị trường xăng dầu trong nước.

Thứ ba, việc phân chia thị phần xăng dầu hiện nay, một doanh nghiệp chiếm đến 60% thị phần và 10 doanh nghiệp khác chia nhau 40% còn lại đang tạo cảm giác người sử dụng xăng dầu phải chịu mức giá độc quyền. Thứ tư, dư luận luôn đặt câu hỏi về tình trạng lỗ lãi thật sự của doanh nghiệp, và yêu cầu cần sớm có sự công khai con số lỗ lãi cụ thể.

“Làm sao giám sát được cơ chế tính toán lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu là đúng hay sai, nếu chỉ dựa vào những gì họ báo cáo, họ yêu cầu mà thực hiện là không ổn”, ông Hùng nói.

Trả lời báo chí về cơ chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào đáp ứng đủ điều kiện được cấp phép kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP, và “thực chất, giá xăng dầu vẫn do nhà nước quyết định. Theo cơ chế hiện nay, doanh nghiệp đăng ký giá bán và chờ xét duyệt, vì vậy giá xăng dầu dễ bị nén, và càng nén lâu, đến lúc lỗ không chịu nổi, giá bật lên 1.000 - 2.000 đồng/lít, gây sốc cho thị trường”.