Giải bài toán nhân lực chất lượng cao
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nguồn nhân lực bị gián đoạn, đứt gãy. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp đang rất lớn. Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa sinh viên, nhất là các sinh viên năm cuối, đến doanh nghiệp làm việc...
Để duy trì ổn định hoạt động đào tạo trong nhà trường, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cho phục hồi kinh tế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 304/TCGDNN-ĐTCQ hướng dẫn các trường trung cấp, cao đẳng liên kết đào tạo và đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Trong đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh đến việc tổ chức thi kết thúc môn học và thi tốt nghiệp có thể được thực hiện tại doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng và tuân thủ quy trình tổ chức thi theo quy định.
DOANH NGHIỆP “KHÁT” NHÂN LỰC
Hiện nay, các doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất kinh doanh nhanh nhất có thể để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19. Thế nhưng, khó tuyển dụng lao động mới trong khi số lượng lao động đang làm việc lại mắc Covid-19 tăng nhanh đang là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Do nhu cầu cấp thiết về nhân lực các trình độ của khối doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kêu gọi các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đưa sinh viên học năm cuối đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản phù hợp với thị trường lao động đến các công ty, nhà máy, vừa thực tập vừa lao động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, việc thực tập, thực hành tại doanh nghiệp đã trở thành thường xuyên, chiếm đến 70% thời gian học tập của sinh viên. Từ ngày 14/2/2022, gần 800 sinh viên năm cuối trở lại học trực tiếp cũng là thời điểm nhà trường tăng cường cho sinh viên đi thực tập tại các tập đoàn, công ty lớn như Vinfast, Samsung, đã giải quyết được nhiều vấn đề cho cả phía nhà trường và doanh nghiệp.
Theo ông Liu Hui Min, Tổng Giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam (TP. Hải Phòng), hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng tại địa phương có thể cung cấp một số lượng lớn nhân lực cho thị trường lao động. “Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, chúng ta mới ở giai đoạn đầu của việc đào tạo lao động. Một trong những khó khăn mà Công ty TNHH USI Việt Nam đang gặp phải là việc tuyển dụng kỹ thuật viên thao tác những thiết bị có tính chính xác cao, máy móc tự động hóa. Trong năm 2022, công ty dự kiến thiếu khoảng 500 kỹ thuật viên”.
Tại TP.HCM, sinh viên mới đi học trực tiếp trở lại không lâu, Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị tuyển dụng sinh viên của trường từ các doanh nghiệp. Chẳng hạn như Công ty Sài Gòn Triển Vọng tuyển 10 nhân viên kỹ thuật, Công ty Hưng Thịnh tuyển 5 kế toán; Công ty Queen Ann tuyển 20 sinh viên thực tập ngành khách sạn nhà hàng; Công ty TNHH II-VI Việt Nam tuyển 20 nhân viên vận hành máy phay CNC; Công ty May S.Power tuyển 100 nhân viên kinh doanh, kho, nhân sự, xuất khẩu…
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đề nghị tuyển sinh viên chưa ra trường về tập sự, có doanh nghiệp đồng ý trả lương nhân viên chính thức cho sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong thời gian thử việc, đào tạo lại… Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Cao Thắng, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng… sẽ đẩy mạnh đào tạo các ngành cơ điện, tự động hóa; dịch vụ vận tải - kho bãi - cảng; điện công nghiệp - điện tử… để mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động chất lượng cao trong thời gian tới.
CẦN KẾT NỐI CHẶT CHẼ CUNG VÀ CẦU
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) mới đây đã tiến hành khảo sát khoảng 121.000 người tìm việc, kết quả có 57.000 người trình độ đại học (hơn 42%) nhưng doanh nghiệp chỉ cần gần 39.000 người. Ở nhóm trình độ cao đẳng có gần 23.000 người đi tìm việc nhưng doanh nghiệp cần tới hơn 37.000 người. Theo đó, thị trường lao động đã có xu hướng coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của người lao động hơn là việc họ theo học loại hình đào tạo nào.
Adecco Việt Nam cũng đánh giá nhiều lĩnh vực sẽ tìm kiếm và bổ sung nhân tài trong năm 2022, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ và truyền thông, sản xuất và kỹ thuật, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, năng lượng… Theo Adecco Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động chất lượng cao trong thời gian tới.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, cho rằng, bậc cao đẳng thuộc ngành giáo dục nghề nghiệp đi theo con đường đào tạo kỹ năng nghề với thời lượng thực hành cao, sinh viên ra trường giỏi tay nghề, dễ nắm bắt công việc nên rất được doanh nghiệp ưa chuộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà trường cần phải khớp nhau về chương trình đào tạo, tránh tình trạng khi sinh viên có thể đi làm thì doanh nghiệp không cần, khi doanh nghiệp cần hỗ trợ thì sinh viên lại trang bị không đúng tay nghề...
Ông Hứa Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Fclass Việt Nam, cũng nhận định: “Hiện thị trường lao động cần những người am hiểu kỹ năng làm việc thực tế nên xu thế doanh nghiệp liên kết với các trường để hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm nhân lực là tất yếu”. Như công ty của ông Tuấn đã đến rất nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp để liên kết đào tạo giảng viên, nhận sinh viên thực tập… Cũng từ nguồn sinh viên thực tập mà Fclass Việt Nam tìm được nhiều nhân sự chất lượng, có kỹ năng làm việc sát với nhu cầu của công ty.
Có thể khẳng định, sự kết nối giữa các trường dạy nghề và các doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có được lao động chất lượng cao, nhà trường thuận lợi trong xây dựng chương trình đào tạo, dễ dàng kiểm tra, giám sát sinh viên. Không những thế, đây cũng là cách góp phần hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích trên, rất cần đến sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan, cũng như sự thay đổi, chủ động từ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt; sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao…
“Chúng tôi hy vọng tới đây, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ có những chuyển biến, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cải thiện tình trạng “chảy máu” lao động trong tương lai”, ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, bày tỏ.