21:19 25/03/2022

Trả lương tương xứng cho người lao động khi làm thêm giờ

Nhật Dương

Doanh nghiệp và người lao động cần thỏa thuận với nhau về số giờ làm thêm cụ thể, đảm bảo trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định…

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm.

Các trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong bối cảnh đang thiếu lao động, việc nâng trần giờ làm thêm từ không quá 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và mở rộng thêm các ngành nghề là chính đáng để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Việc này cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. “Một số trường hợp không áp dụng làm thêm giờ cũng là phù hợp để bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động”, ông Phạm Minh Huân cho biết.

Mặc dù vậy, theo ông Huân, nới trần giờ làm thêm trong tháng lên không quá 60 giờ là mức tối đa, còn số giờ làm thêm cụ thể thì giữa người lao động và người sử dụng lao động phải cân nhắc. Nếu người lao động cảm thấy sức khỏe không đảm bảo thì có thể trao đổi với công đoàn, doanh nghiệp, thời gian làm thêm tối đa 60 giờ/tháng chỉ dồn trong ít tháng, vì tổng thời gian làm thêm trong năm không được vượt quá mức 300 giờ.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Do đó, ông Huân cho rằng, doanh nghiệp và người lao động cần thỏa thuận với nhau, đảm bảo trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi đảm bảo để người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

“Khi quy định về làm thêm giờ đi vào thực tế từng doanh nghiệp, sẽ có người lao động khỏe, có người chưa đáp ứng được thì tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động cần xem xét số giờ cụ thể cho phù hợp”, ông Huân nói và cho rằng, vấn đề này cần được thanh tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp không áp dụng làm thêm giờ vượt quy định.

Trước đó, báo cáo thêm tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23/3, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thực tế do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn “ngấm ngầm” thoả thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên tắc của pháp luật lao động đã được quy định khi làm thêm giờ phải trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng, công khai, không áp đặt; đảm bảo sức khỏe và điều kiện lao động lâu dài cho người lao động và được trả công tương xứng.

Hiện nay, tại Khoản 1 Điều 98 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.