Giải "cơn khát" vốn ngành lúa gạo
Nhu cầu vốn cao nhưng do kinh doanh lúa gạo có nhiều rủi ro nên lâu nay các ngân hàng hầu như chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp
Hàng chục năm qua, điệp khúc "được mùa rớt giá" cứ lặp đi lặp lại, buộc các cơ quan nhà nước phải vào cuộc giải cứu giá lúa gạo cho nông dân. Nguyên nhân khiến giá lúa giảm sâu rất dễ nhận thấy, nhưng cần phân tích để tìm ra giải pháp căn cơ hơn. Các biện pháp giải cứu luôn có độ trễ, thụ động và khó giải quyết hết.
Đặc thù của ngành lúa gạo là tính mùa vụ, cao điểm thu hoạch lượng hàng hóa cần giải phóng trong thời gian ngắn tăng gấp 2-3 lần so với thấp vụ. Áp lực thu hoạch, sấy, vận chuyển, thu mua luôn bị quá tải.
Nguồn tiền là yếu tố chính giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua và mua nhiều lượng lúa hàng hoá nhằm giữ giá không bị giảm sâu (lúa vừa thu hoạch xong phải được phơi sấy, bảo quản ngay, nếu quá 1-2 ngày sẽ hư hỏng và giảm tỷ lệ thu hồi). Đây là áp lực lớn của ngành lúa gạo vẫn diễn ra hàng năm.
Theo ThS. Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông, các doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh nội địa đều phải đầu tư số vốn khá lớn như nhà xưởng, máy móc, thiết bị và vốn lưu động mua lúa gạo nguyên liệu với số vốn khoảng vài trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần trữ trong kho một lượng hàng nhất định để đảm bảo kinh doanh trái vụ. Vì vậy, một doanh nghiệp khó lòng đáp ứng đủ lượng vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh, nên vốn tín dụng luôn rất cần để doanh nghiệp tăng lượng hàng hóa, tồn trữ.
"Việc thu mua nhanh lượng lúa hàng hóa của nông dân trong thời điểm này mang tính ổn định thị trường, giúp công tác điều hành vĩ mô và chính sách hỗ trợ thị trường của Nhà nước", ông Việt Anh khẳng định.
Nhu cầu vốn cao nhưng do kinh doanh lúa gạo có nhiều rủi ro nên lâu nay các ngân hàng hầu như chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp của doanh nghiệp ở quy mô khá chỉ vay được từ 100-200 tỷ đồng, đủ mua khoảng 10.000 - 20.000 tấn gạo.
Nguồn tín dụng này không thấm vào đâu so với số vốn cần có để mua hết lượng lúa hàng hóa trong dân. Lượng lúa gạo hàng hoá toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào chính vụ có thể lên đến hàng triệu tấn gạo, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể mua trữ vài nghìn tấn đến 20.000 tấn là hết hạn mức tín dụng.
Vì vậy, ngoài yếu tố thị trường, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong những nguyên nhân chính khiến giá lúa của nông dân bị sụt giảm khi vào vụ thu hoạch, còn doanh nghiệp lỡ mất cơ hội kinh doanh do không đủ tiền để mua nhanh, mua nhiều lượng lúa hàng hóa. Việc giải được "cơn khát" vốn cho doanh nghiệp lúa gạo là hết sức cần thiết, giúp giá lúa không giảm sâu lúc thu hoạch chính vụ.
Theo một chuyên gia ngành gạo, kinh doanh gạo xuất khẩu và nội địa luôn có tỷ lệ rủi ro nhất định, trong khi các ngân hàng muốn giữ phần ít rủi ro nhất, nên các hợp đồng cho vay đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp, không chấp nhận "tín chấp". Nhưng vay thế chấp thì nguồn vốn được cấp sẽ rất hạn hẹp.
Song, cũng phải nhìn nhận việc ngân hàng siết tín dụng, quy trình phê duyệt khắt khe là do chuỗi cung ứng lúa gạo, từ nông dân, thương lái, nhà máy xay xát và các công ty xuất khẩu, ngân hàng... đang đối mặt nhiều khó khăn.
Cụ thể, mô hình liên kết, bao tiêu với doanh nghiệp có thể giúp nông dân ít bị thiệt hại hơn, song, do mức độ cam kết của hai bên không cao và đã xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp "bẻ kèo" nông dân khi giá giảm và ngược lại khiến doanh nghiệp không có đủ chân hàng, dẫn đến thua lỗ, mất uy tín...
Đặc thù của ngành lúa gạo, nếu có lãi cũng chỉ vài USD/tấn, nhưng khi trượt giá có thể lỗ từ 20-30USD/tấn trở lên. Vì vậy, hàng năm đều có doanh nghiệp gạo bị thua lỗ, phá sản kéo theo khó khăn cho các ngân hàng, hậu quả là ngày càng siết tín dụng với các doanh nghiệp gạo.
Vì vậy, các ngân hàng chỉ nhận thế chấp tài sản mang tính thanh khoản cao. Điều này thật sự gây khó khăn cho việc đáp ứng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh rất uy tín nhưng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vì các lý do trên. Thời gian phê duyệt cấp hoặc nâng hạn mức còn kéo dài, làm lỡ hết cơ hội mùa vụ mua hàng của doanh nghiệp.
Để giải cơn khát vốn của doanh nghiệp ngành lương thực rất cần các bên liên quan có giải pháp căn cơ và đủ mạnh để giải được nút thắt này, giúp mọi thành phần trong chuỗi cung ứng có thu nhập tốt hơn và phát triển bền vững, đưa ngành lương thực tiến lên giai đoạn mới.