09:59 09/07/2025

Giải mã hiện tượng khối ngoại: Nâng hạng thị trường là động lực, dòng tiền thường đi trước 4-5 tháng

Thu Minh

Dòng tiền ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ khoảng 4-5 tháng trước khi diễn ra quá trình chuyển đổi và có xu hướng mua ròng trong thời khoảng gian này cũng như sau đó 1 tháng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi (Watch list) để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market) trong báo cáo phân loại thị trường các quốc gia tháng 03/2025. FTSE Russell sẽ cập nhật trạng thái của thị trường Việt Nam vào kỳ đánh giá tháng 09/2025.

Điểm tích cực trong kỳ rà soát lần này FTSE đã không đề cập 03 yếu tố cần xem xét trong báo cáo trước đó, bao gồm: Quy tắc hoạt động từ VSDC – sau khi VSDC ban hành các quy định để hướng dẫn thực hiện giải pháp NPF; Khả năng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi các doanh nghiệp đã bắt đầu công bố các báo cáo bằng song ngữ theo lộ trình quy định tại Thông tư 68;

Lộ trình rõ ràng về cách thực hiện các quy định mới – sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra lộ trình 9 nhóm giải pháp cần thực hiện để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào ngày 11/03/2025.

Trong báo cáo đánh giá năm 2025 của MSCI, toàn bộ các tiêu chí của thị trường Việt Nam không có sự thay đổi so với năm 2024, như vậy trong 02 năm gần nhất thị trường Việt Nam được MSCI cải thiện 01 tiêu chí Transferability (Khả năng chuyển nhượng): từ "-" lên "+" vào T06/2024

Đối với giải pháp Non-pre-funding và lộ trình công bố thông tin, MSCI cũng nhấn mạnh sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của các giải pháp và lộ trình mà cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra. Điều này đòi hỏi các nỗ lực mạnh mẽ tiếp theo từ các nhà điều hành, các thành viên thị trường trong việc thực thi và hiện thực hóa các giải pháp nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của MSCI trong tương lai.

Trong kịch bản cơ sở, BSC Research dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE Russell thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9/2025. Đối với MSCI, dựa trên đánh giá mới nhất khả năng vào danh sách tiềm năng nâng hạng lên Emerging Market sẽ khả thi hơn vào giai đoạn 2026-2027

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, đối với thời điểm ra thông báo “Chấp thuận nâng hạng” (T0): Với thông báo từ FTSE Russell, hoạt động mua ròng diễn ra trước đó từ tháng thứ 4 và MSCI từ tháng thứ 5 trở lại. Đồng thời khối ngoại cũng mua ròng nhiều hơn vào tháng có kết quả công bố.

Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường với khoảng thời gian tương đối dài trước khi thông tin được tổ chức xếp hạng công bố. Hoạt động mua ròng giảm dần sau T0 khoảng 1 tháng.

Đối với thời điểm diễn ra quá trình “Chuyển đổi nâng hạng” (T1): Dòng tiền ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ khoảng 4-5 tháng trước khi diễn ra quá trình chuyển đổi và có xu hướng mua ròng trong thời khoảng gian này cũng như sau đó 1 tháng. Sau khoảng thời gian này, hoạt động bán ròng quay trở lại từ 1-2 tháng, sau đó khối ngoại lại mua ròng nhưng giá trị không đáng kể.

Mới đây, VPBankS dự báo khoảng 70% Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, cũng có 30% khả năng được nâng hạng vào tháng 3/2026 do các vấn đề liên quan đến chênh lệch về thời gian thanh toán & thời gian phân phối chứng khoán trên KRX cũng như số lượng giao dịch lỗi ít, FTSE cần thêm thời gian để đánh giá xử lý lỗi.

Nếu được nâng hạng, dự báo dòng vốn thụ động và chủ động vào Việt Nam có thể đạt 3 – 7 tỷ USD. Diễn biến nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ đầu tháng 7 đến nay đã đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư mua rất nhanh trong các phiên gần đây, giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác. Việc giải ngân 3 – 7 tỷ USD trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho thị trường.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI Research lại cho rằng, ở thời điểm hiện tại có thể nói xác suất 90% thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong tháng 10. "Chính xác là vào ngày 7/10, FTSE Russell sẽ có thông báo tích cực cho chứng khoán Việt Nam", ông Hưng kỳ vọng.

Theo ông Hưng, có khoảng 2-30 cổ phiếu có thể được FTSE đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng. Trong đó nhóm vốn hóa lớn gồm VNM, HPG, cổ phiếu họ Vingroup, SSI... là cổ phiếu được mua vào trong thời điểm được nâng hạng.

Nếu từ nay đến thời điểm được nâng hạng, nhiều cổ phiếu được niêm yết hơn thì số cổ phiếu được vào rổ cao hơn, tỷ trọng có thể lên tới gần 1%. Dòng tiền lớn, các quỹ sẽ đổ vào. Trung bình một quỹ đổ vào một tỷ hoàn toàn có thể xảy ra. Các công ty chứng khoán top đầu về thị phần khối ngoại như SSI, VCI, HCM sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn ngoại quay trở lại.