Giải pháp nào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế?
Số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện
"Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích tuy nhiên trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ/, các ứng dụng di động để thanh toán..."
Đây là chia sẻ của ông Trần Quý Tưởng, Cục Trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế tại diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip" (EPF 2019) do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng nhà nước vào sáng nay (10/12).
Ông Tưởng khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong các trường công tác đào tạo nhân lực y, dược.
Số liệu của đại diện Bộ Y tế công bố tại diễn đàn cho biết, đến nay, 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; đạt 99,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa. Số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.
"Có thể khẳng định, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế thời gian qua tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh; đồng thời đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí", ông Tưởng đánh giá.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Bên cạnh đó, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán.
Trước những khó khăn nêu trên, việc đẩy mạnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo đúng quy định của Chính phủ là hợp lý, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa. Ông Tưởng thay mặt Bộ Y tế đã ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Thứ hai, từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, xác định các công việc cần triển khai, thời gian dự kiến triển khai, nguồn lực triển khai, xem xét các yếu tố tác động (tích cực, tiêu cực) đến hoạt động của bệnh viện để có kế hoạch và phương án chuẩn bị, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; Xây dựng và hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện để có thể kết nối thanh toán viện phí với phần mềm của các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán theo quy định.
Thứ ba, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
Thứ tư, các bệnh viện, trường cơ sở đào tạo y dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.
Thực hiện lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp triển khai phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, nhu cầu của bệnh viện. Có phương án triển hiệu quả, hợp lý và dễ dàng thực hiện, thỏa mãn các yêu cầu thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt của người dân. Không lựa chọn duy nhất một giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt và yêu cầu bắt buộc người dân phải sử dụng.
Phải lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán có các điều kiện đảm bảo về an toàn, có cam kết về bảo mật thông tin thanh toán, thông tin bệnh nhân, thông tin người đến khám
Thứ năm, việc triển các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám chữa bệnh thông thường của đơn vị. Để đảm bảo sự tác động đó không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn không tích cực đến bệnh viện, các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị. Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.
Thứ sáu, nhằm đảm bảo hiệu quả trong triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện như: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, phát các tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đăng tải tài liệu lên Webiste bệnh viện, .. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí.
Thứ bảy, việc triển khai thực hiện thanh toán viên phí, học phí không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong ngành y tế. Bộ Y tế sẽ Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trưởng triển khai các giải pháp thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Thứ tám, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian thanh toán để đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế để thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ chín, Bộ Y tế sẽ biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân triển khai tích cực, có hiệu quả việc thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt. Đưa tiêu chí triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ mười, kêu gọi người dân sự ủng hộ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. Không phải chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần.