06:00 03/01/2025

Giải pháp thúc đẩy sức mạnh mô hình VEHEC

Dũng Hiếu

Mô hình Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) bước đầu đã thể hiện rõ việc tạo ra một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và cả vùng. Do đó, cần có những giải pháp khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Mô hình Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông bước đầu đã thể hiện rõ việc tạo ra một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ.
Mô hình Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông bước đầu đã thể hiện rõ việc tạo ra một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ.

Kinh tế đang phát triển theo hướng công nghệ cao khai thác vốn con người. Mô hình kết nối tiểu vùng VEHEC là một sáng kiến theo hướng trên giữa bốn tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên. Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, các địa phương đang tìm cách đưa ra các giải pháp tạo sức mạnh cho VEHEC đạt mục tiêu tạo ra một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Mô hình VEHEC được hình thành nhằm tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý, về thế mạnh của từng địa phương cũng như thế mạnh về sự hợp tác liên tỉnh thông qua việc liên kết, các tỉnh có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về mặt địa lý, bốn tỉnh này đều nằm trên trục giao thông quan trọng, có cảng biển sâu, hệ thống đường bộ, đường sắt hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đầu tư; Quảng Ninh có thế mạnh riêng về du lịch, Hải Phòng là trung tâm công nghiệp cảng, Hải Dương có thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ, Hưng Yên tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao... Để phát huy các thế mạnh cũng như vượt qua hạn chế thách thức, các tỉnh đã đưa ra những giải pháp để hoạt động của VEHEC thật sự mang lại hiệu quả cao cho cả bốn tỉnh.

PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh đã ban hành những chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, cần thống nhất tập trung vào việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng mức, đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong trục kinh tế cao tốc phía Đông. Đề nghị các cấp Trung ương điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ cho các địa phương về chỉ tiêu đất công nghiệp, về chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh, cũng như phân cấp quyền hạn cho các tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án cụm công nghiệp, khu công nghiệp do cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư...

Với Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, đề cập tới tính linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: đất đai, quy hoạch, cung ứng năng lượng, lao động... Ông cũng đưa ra các đề xuất, bao gồm cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ logistics để phát huy thế mạnh của từng địa phương.

Với Hải Dương, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, cũng đồng tình tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỉnh sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ tại các khu công nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai các tiêu chuẩn phát triển bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và quản lý môi trường chặt chẽ.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Qua ý kiến của các địa phương, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra những ý kiến nhằm thúc đẩy sức mạnh mô hình VEHEC. Ông Phan Tuấn Ngọc, chuyên gia kinh tế Trường đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất 3 giải pháp đối với các tỉnh khu vực VEHEC.

Thứ nhất, cải thiện năng lực địa phương. Chính quyền địa phương cần tiếp cận cải thiện Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) như với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nghiên cứu kỹ các chỉ số PGI, trao đổi với các tỉnh dẫn đầu và nhóm nghiên cứu PGI; xác định các chỉ số thành phần cần cải thiện và xây dựng kế hoạch hành động chi tiết.

Thứ hai, hỗ trợ từ Trung ương và quốc tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần cung cấp tài chính và kỹ thuật giúp địa phương khắc phục hạn chế về nguồn lực, năng lực và thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả hơn.

Thứ ba, thúc đẩy vai trò của thị trường. Người tiêu dùng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó tạo động lực thị trường mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thị trường có tiêu chuẩn môi trường cao hơn.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ ra một số lưu ý liên quan đến việc phát triển khu công nghiệp nói chung ở trục cao tốc phía Đông phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Các khu công nghiệp phải đóng góp đáng kể vào chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch; các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông phải trở thành nơi để người lao động gắn bó, yên tâm phát triển, cống hiến và thụ hưởng thành quả lao động. Các khu công nghiệp này cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng theo bà Minh, tính chất “bền vững” của các khu công nghiệp không chỉ được phản ánh ở khía cảnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích “lâu dài” giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đáng chú ý, từ bình diện rộng hơn, phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc.

Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. “Nếu giải quyết tốt vấn đề này, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng” bà Minh nhấn mạnh.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), lại quan tâm tới tiềm năng phát triển logistics xanh tại các khu công nghiệp thông minh tại Việt Nam. Theo ông, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang cho Việt Nam cơ hội đón dòng đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp phải xanh hóa để đón nhận cơ hội này.

“Logistics được ví là xương sống, mạch máu thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời là nền tảng kết nối chuỗi cung ứng. Tại các khu công nghiệp thuộc tiểu vùng trục cao tốc phía Đông - nơi có lợi thế hạ tầng giao thông hiện đại, logistics giúp tối ưu hóa luồng vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng sản xuất thông minh và bền vững”, ông Khoa cho biết...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 30/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp thúc đẩy sức mạnh mô hình VEHEC - Ảnh 1