07:26 09/04/2023

Giải quyết kịp thời, đúng đối tượng việc hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương

Với việc giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đã góp phần hỗ trợ người lao động mất việc tại Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết nối, giới thiệu việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng thực hiện song song, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong lúc khó khăn, ổn định cuộc sống, và sớm quay trở lại thị trường lao động.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIẢI QUYẾT BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, với việc vận dụng linh hoạt các phương thức, giải pháp thực hiện, việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đã góp phần hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống.

Trong năm 2022, toàn thành phố đã có 22.942 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó số người có đủ điều kiện hưởng là 16.590 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 16.100 người; tư vấn, ban hành quyết định hỗ trợ học nghề cho 935 người.

Cùng với việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm còn triển khai tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, phân công nhân sự, phối hợp trong giải quyết hồ sơ đảm bảo quyền lợi của người lao động và tuân thủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp.

Trung tâm cũng phối hợp với bảo hiểm xã hội thực hiện quy trình giải quyết chế độ ứng dụng công nghệ thông tin chặt chẽ, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin cũng được Trung tâm chú trọng dưới nhiều hình thức, như qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website… để đẩy mạnh tư vấn trực tiếp các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học nghề đến với người lao động.

Thống kê trong năm 2022, Trung tâm đã tư vấn, cung cấp thông tin cho hơn 80.700 lượt người, trong đó tư vấn đã giới thiệu việc làm cho gần 7.000 lượt người, tư vấn học nghề cho hơn 14.700 lượt người và tư vấn cho hơn 59.000 lượt người về pháp luật lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

THU THẬP THÔNG TIN, HỖ TRỢ KẾT NỐI VIỆC LÀM

Bên cạnh hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng còn kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong năm 2022, Trung tâm đã tổ chức gần 50 phiên giao dịch việc làm định kỳ; khai thác, kết nối và thu thập thông tin tuyển dụng của gần 2.000 doanh nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 5.000 lao động.

Báo cáo của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, hiện các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố ước tạo việc làm cho 4.020 lao động, trong đó có 3.270 vị trí việc làm tăng thêm. Tính đến 31/3, thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 3.116 trường hợp, với số tiền chi trả gần 32,9 tỉ đồng.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đặt mục tiêu sẽ tư vấn từ 80.000 đến 90.000 lượt người; tổ chức 48 sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối, thu thập thông tin và đăng ký tuyển dụng từ 1.000 doanh nghiệp; giới thiệu việc làm từ 4.000 – 5.000 lao động trở lên; tiếp nhận giải quyết 100% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, không có trường hợp sai sót, trễ hẹn trả kết quả…

Đồng thời, mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng, hỗ trợ học nghề cho người lao động, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống.

Vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đảm bảo tạo nguồn lao động thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tiếp tục được thành phố chú trọng,

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối cung - cầu lao động, thành phố sẽ nắm bắt thông tin và điều tiết cung - cầu lao động, trong đó chú trọng đến việc đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động, trên cơ sở này để phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài.

Chất lượng sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng sẽ được nâng cao, kết hợp tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm di động tại các quận, huyện, các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Đồng thời, tiếp tục triển khai Kế hoạch nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để cung cấp cho người lao động được biết.

Thành phố cũng xác định mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu trên địa bàn, bằng các giải pháp như: Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng sẽ được đẩy mạnh.