Giải trình nhiều vấn đề lớn về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu
Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban Kinh tế
Như VnEconomy đã thông tin, Chính phủ đã chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khai mạc sáng 22/5 tới đây hồ sơ dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong hồ sơ, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban Kinh tế về dự thảo nghị quyết này.
Chỉ áp dụng với nợ xấu do nguyên nhân khách quan?
Theo dự thảo, nghị quyết này quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại nghị quyết chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan, cơ quan soạn thảo cho rằng như vậy không khả thi.
Vì, thứ nhất, về nguyên tắc, để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể. Trong khi đó, số lượng các khoản nợ xấu hiện tại của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là không nhỏ (nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ - PV).
Do đó, việc xác minh nguyên nhân gây ra nợ xấu đối với từng khoản nợ trước khi áp dụng các quy định tại nghị quyết để xử lý là khó khả thi trên thực tế (về nguồn lực) và khó bảo đảm tiến độ xử lý nhanh, triệt để nợ xấu.
Thứ hai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiệu đã được pháp luật quy định đầy đủ và việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc áp dụng các quy định tại nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thứ ba, việc phân loại và chỉ áp dụng nghị quyết để xử lý khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan sẽ khó xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, ảnh hưởng xấu đến khả năng tài chính, nguồn vốn của tổ chức tín dụng, khó giảm lãi suất, giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp.
Do vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết chỉ áp dụng đối với nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém là quan điểm khác từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo cơ quan soạn thảo thì dự thảo nghị quyết điều chỉnh chung đối với tất cả các khoản nợ xấu, bao gồm cả khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt và khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác là phù hợp và cần thiết.
Vì, nợ xấu của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chỉ chiếm khoảng 30% nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, 70% số nợ xấu còn lại là nợ xấu của tổ chức tín dụng khác. Như vậy, nếu không áp dụng nghị quyết đối với 70% nợ xấu thì khó thực thực hiện được mục tiêu xử lý nhanh, triệt để nợ xấu, bảo đảm quyền chủ nợ theo quan điểm, định hướng, chỉ đạo tại nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo "hứa" sẽ cung cấp thông tin cụ thể về cơ cấu các khoản nợ xấu tính đến ngày 31/12/2016 (bao gồm cả các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt).
Lý do tiếp theo được nêu là một phần lớn các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đã được bán sang VAMC và sẽ được VAMC bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Nếu chỉ cho phép nợ xấu của tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt được áp dụng nghị quyết này thì sẽ tạo ra sự không công bằng, không đạt được mục tiêu thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, không khuyến khích được nhà đầu tư tham gia mua bán nợ xấu.
Chính phủ cũng giữ quan điểm không cần bổ sung nguyên tắc quy định về trách nhiệm tài chính và trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân đã gây ra nợ xấu tại dự thảo nghị quyết như ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về trách nhiệm tài chính, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm gây ra nợ xấu.
Không giới hạn thời điểm phát sinh
Thường trực cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - đề nghị giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu cần xử lý mà không áp dụng chung cho việc xử lý tất cả các khoản nợ xấu đã, đang và sẽ phát sinh.
Cụ thể, thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý trong nghị quyết là những khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31/12/2016.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu được điều chỉnh tại nghị quyết bao gồm tất cả các khoản nợ được xác định là nợ xấu (bao gồm nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của nghị quyết), không bị giới hạn về thời điểm phát sinh nợ xấu là cần thiết.
Lý do, việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xử lý triệt để toàn bộ nợ xấu vì nợ xấu hiện tại chỉ chiếm hơn 57%; gần 43% còn lại là nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (chưa là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành).
Thứ hai, nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày song hành với hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng vì về bản chất hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn có thể xảy ra rủi ro ở mức độ khác nhau từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Tính trung bình, nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng 1,3% do khách hàng vay không trả nợ, chủ yếu do nguyên nhân khách quan như: hạn hán, lũ lụt, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng hoạt động, gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, biến động thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, việc chỉ xử lý nợ xấu hình thành trong một giai đoạn nhất định không bảo đảm xử lý triệt để nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thứ ba, việc chỉ xử lý nợ xấu phát sinh trong một giai đoạn thời điểm nhất định không tạo ra được cơ chế đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu. Việc cùng là nợ xấu nhưng nợ xấu ở thời điểm này được xử lý còn thời điểm kia thì không sẽ tạo ra sự bất hợp lý, chính sách xử lý nợ không nhất quán, khó áp dụng.
Thứ tư, việc cho phép áp dụng nghị quyết đối với tất cả các khoản nợ được xác định là nợ xấu sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện được nhiệm vụ xử lý triệt để nợ xấu, kiểm soát, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh từ đó đảm bảo mục tiêu xử lý triệt để và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm quyền chủ nợ theo quan điểm, định hướng, chỉ đạo tại nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Do đó, việc giới hạn phạm vi khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi nghị quyết này là đến 31/12/2016 hay 31/12/2020 đều không phù hợp và ảnh hưởng hiệu quả của việc xử lý nợ xấu - báo cáo nêu rõ.