07:17 26/03/2008

Giảm biên độ dao động giá: Điều gì sẽ xảy ra?

Hoàng Xuân Quyến

Sau 5 năm, Ủy ban Chứng khoán lại phải sử dụng đến "cây gậy" là điều chỉnh biên độ dao động giá

Đối với người mua, biên độ dao động quá hẹp chắc chắn sẽ giảm hấp dẫn nhà đầu tư tham gia “lướt sóng” và những người đang kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên đổi chiều - Ảnh: Việt Tuấn.
Đối với người mua, biên độ dao động quá hẹp chắc chắn sẽ giảm hấp dẫn nhà đầu tư tham gia “lướt sóng” và những người đang kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên đổi chiều - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 25/3, Ủy ban Chứng khoán đã chấp thuận đề nghị điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu từ 10% xuống 2% đối với sàn Hà Nội và từ 5% xuống 1% đối với sàn Tp.HCM, áp dụng từ ngày 27/3/2008.

>>Giảm biên độ dao động giá: Được và mất / “Giảm biên độ chỉ là biện pháp tình thế”

Ba tuần trước, khi thị trường chứng khoán giảm xuống 583 điểm rồi lại quay lại mốc trên 600 nhờ tin SCIC sẽ hỗ trợ bình ổn giá thị trường, ít ai có thể ngờ rằng ba tuần sau VN-Index giảm sâu dưới mức 500, còn HASTC-Index ngày càng lùi xa 200 điểm.

Có lẽ đây là yếu tố gây bất ngờ nhất đối với không chỉ nhà đầu tư mà cả các nhà phân tích và hoạch định chính sách. Sau 5 năm, Ủy ban Chứng khoán lại phải sử dụng đến "cây gậy" là điều chỉnh biên độ dao động giá, nhưng lần này thì ngược với lần trước: hạn chế chứ không phải mở rộng biên độ dao động.

Ngay từ bây giờ những người quan tâm đã đặt câu hỏi: điều gì sẽ tiếp tục xảy ra khi quyết định trên có hiệu lực từ ngày thứ Năm, 27/3 tới?

Tức thì…

Tác động tức thì có lẽ khỏi cần phải bàn. Giá cổ phiếu sẽ không rớt xuống thê thảm cận đáy 10% và 5% như những phiên gần đây nữa, vì biên độ dao động chỉ cho phép 2% và 1%.

Hứng khởi nhất đối với quy định này có lẽ là nhà đầu tư đang muốn bán cổ phiếu để tháo chạy khỏi thị trường. Vì yên tâm giá cổ phiếu sẽ không rớt nhanh nên nhu cầu bán gấp sẽ có xu hướng giảm. Nói cách khác khối lượng đặt bán sẽ có xu hướng giảm.

Ngược lại, đối với người mua, biên độ dao động quá hẹp chắc chắn sẽ giảm hấp dẫn nhà đầu tư tham gia “lướt sóng” và những người đang kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên đổi chiều. Nếu điều này xảy ra thì lượng đặt mua sẽ có xu hướng giảm, dẫn đến khối lượng giao dịch thành công nhiều khả năng sụt giảm đáng kể. Và do đó, giá trị giao dịch cũng sẽ có xu hướng giảm.

Trước khi quyết định này được ban hành, nhà đầu tư cảm nhận thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục rơi tự do, dù những dấu hiệu và thông tin tốt từ trong và ngoài nước đã xuất hiện trong mấy ngày gần đây (USD tăng giá còn giá vàng, giá dầu đều giảm, lãi suất ngân hàng đã ổn định và lạm phát có xu hướng tăng chậm lại).

Sự can thiệp của Ủy ban Chứng khoán đối với thị trường lúc này có thể coi là hành động quyết liệt cứu vớt thị trường. Nhiều người tỏ ý tiếc rằng giá như Ủy ban can thiệp từ khi thị trường chứng khoán ở mức 700 điểm thì có thể thị trường không đến nỗi rơi xuống dưới ngưỡng 500 điểm như hiện nay.

Và hơn thế nữa, nếu Ủy ban Chứng khoán tin rằng giá chứng khoán hiện nay là quá rẻ (dưới giá trị thực) thì sao không thả trần để giá chứng khoán tự do biến động theo quy luật cung cầu? Thíết nghĩ, thả trần và khống chế sàn có thể tạo ra hiệu ứng tích cực hơn.

Hạn chế biên độ dao động giá có thể nhận biết ngay tác động đến bước giá. Với những cổ phiếu có giá tham chiếu hiện tại từ 50.000 - 90.000 VND thì biên độ dao động sẽ chỉ có ba bước giá theo nguyên tắc làm tròn trên sàn Tp.HCM. Ví dụ, cổ phiếu có giá tham chiếu 70.000 thì biên độ sẽ nằm trong khoảng 69.300 đến 70.700 và theo nguyên tắc làm tròn chẵn 500 thì chỉ có ba bước giá 69.500; 70.000 và 70.500.

Những cổ phiếu có giá tham chiếu rất nhỏ, ví dụ, như chứng chỉ quỹ PBF1 là 8.000 VND thì biên độ giá là 7.920 đến 8.080 và nếu theo nguyên tắc làm tròn giá bước 100 thì mức giá vẫn giữ nguyên 8.000 VND. Chừng nào chưa nới lỏng biên độ thì giá chứng chỉ quỹ này sẽ không thay đổi.

Không hiểu khi xây dựng quy định này, Ủy ban Chứng khoán có kiểm tra đến những trường hợp cá biệt này không?

…và dài hạn

Câu hởi quan tâm nhất của nhà đầu tư vẫn là liệu giải pháp hạn chế biên độ dao động giá có tác động tích cực đến thị trường về dài hạn hay không?

Theo người viết, tác động dài hạn đển thị trường chứng khoán từ quy định biên độ dao động giá có lẽ là không.

Đây dường như là giải pháp bất đắc dĩ mà Ủy ban Chứng khoán không mong muốn. Bởi chính sức mạnh nội tại của thị trường mà trực tiếp hơn là các thành viên tham gia thị trường bao gồm các công ty niêm yết, môi trường vĩ mô và thiết chế minh bạch mới có thể tạo ra thị trường chứng khoán hiệu quả.

Sự phát hành tăng vốn vô tội vạ của đại bộ phận các công ty niêm yết và chưa niêm yết; chính sách thặt chặt cung tiền tệ nhằm hạn chế lạm phát đang gây nên tính thanh khoản rất thấp của thị trường; các ngân hàng đang khan hiếm tiền mặt; những yếu tố này cùng với môi trường vĩ mô và tác động của thị trường thế giới không thuận lợi đã làm thị trường chứng khoán suy giảm và rất khó có thể cải thiện đáng kể trong ngắn hạn.

Những khó khăn có thể vẫn còn tiếp tục trong quý 2 tới, nhưng sự lạc quan về sự phục hồi của thị trường chứng khoán vào cuối năm nay là có cơ sở, khi lạm phát được kiềm chế và các công ty niêm yết sẽ chú tâm đến tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Phòng Phân tích đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.