Giám đốc cấp dưới nhận xét thế nào khi làm việc cùng tỷ phú Bill Gates, Jeff Bezos và Elon Musk?
Cuộc sống và thói quen làm việc của các tỷ phú luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Những điểm khác biệt trong lối sống và làm việc của họ là chủ đề của nhiều cuốn sách, chương trình phát thanh và vô vàn bài báo...
Để khai thác chủ đề này, các cấp dưới thân thiết của họ cũng được khai thác triệt để. Dưới đây là nhận xét của một số đồng nghiệp từng làm việc với tỷ phú Bill Gates, Jeff Bezos và Elon Musk.
BILL GATES SẴN SÀNG VẠCH TRẦN NHỮNG NGƯỜI KHOE KHOANG, PHÓNG ĐẠI
Chris Williams - chủ một doanh nghiệp từng được tập đoàn Microsoft của Bill Gates mua lại - sẽ không bao giờ quên những câu hỏi dồn dập từ ông Gates họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1992.
Sau khi mua lại công ty, ông Gates đã chất vấn ông Williams và các đồng nghiệp của ông về lý do sản phẩm của họ tốt hơn so với của các đối thủ của Microsoft. Trong 8 năm thường xuyên làm việc cùng vị tỷ phú, ông Williams đã học được cách đặt câu hỏi của ông Gates để vạch trần những người khoe khoang, phóng đại. Người đồng sáng lập Microsoft sẽ liên tục truy đến cùng cho tới khi đối phương thừa nhận rằng họ không biết hoặc thừa nhận họ không phải là người làm ra mọi thứ từ đầu.
“Thật khó để không học các kỹ năng đó khi chứng kiến tình huống ấy nhiều lần”, ông Williams viết. “Tôi có thể nhìn ra biểu cảm của một số người, theo kiểu ‘thà chết’ chứ không thừa nhận rằng ‘tôi không biết, tôi sẽ tìm hiểu và liên hệ lại sau’”.
Ông Williams cho biết ông Gates có khả năng tiếp thu "hàng km dữ liệu và hàng chục ý kiến" tại một cuộc họp và ngay lập tức xác định điều gì quan trọng, điều gì cần phải làm.
JEFF BEZOS TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỌP “KÉM HIỆU QUẢ MỘT CÁCH CÓ CHỦ Ý”
Ông Colin Bryar, một cựu phó chủ tịch của Amazon và cũng là một tham mưu cấp cao của ông Bezos, từng liệt kê 13 điều mà ông rút ra được sau 12 năm làm việc thân cận với tỷ phú Jeff Bezos - người sáng lập Amazon.
Những điều này bao gồm tầm quan trọng của việc phản ứng nhanh với các xu hướng, tăng gấp đôi các sáng kiến có hiệu quả để giảm thiểu rủi ro và chấp nhận rằng "tập hợp một đội ngũ có cùng chí hướng đòi hỏi nhiều nỗ lực”…
Một điều đáng chú ý về phong cách làm việc của ông Bezos mà ông Bryar ghi nhận được là vị tỷ phú thường tổ chức các cuộc họp hàng tuần kéo dài 4 tiếng. Thay vì họp với từng giám đốc cấp dưới để nghe báo cáo trực tiếp, ông lần lượt nghe tất cả họ báo cáo tại cuộc họp này. Tất cả các giám đốc đều phải tham dự cuộc họp dù có công việc gì.
"Ông Bezos muốn họ học được trách nhiệm của những người khác nhằm giúp họ làm việc tốt hơn trong tập thể khi cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi nảy sinh”, ông Bryar kể. "Tôi từng chứng kiến nhiều nhóm giám đốc điều hành làm việc không hiệu quả, không quen làm việc cùng nhau. Do đó, một cuộc họp hàng tuần ‘kém hiệu quả một cách có chủ ý’ như vậy sẽ giúp ích cho họ”.
ELON MUSK CÓ THỂ THẲNG TAY SA THẢI NHÂN SỰ KHI BẤT ĐỒNG Ý KIẾN
Trong những ngày đầu làm việc tại Tesla, ông Carl Medlock từng ở trong một cuộc họp mà ở đó có người bất đồng ý kiến với ông Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla. Lúc ấy là một quản lý địa bàn bán hàng, ông Medlock cho biết sau đó ông không bao giờ thấy nhân viên đó nữa.
“Ông Musk không phải là kiểu người chịu nghe người khác ‘bật lại’. Ông ấy sẽ sa thải bạn ngay lập tức”, ông Medlock chia sẻ trong chương trình phát thanh "The Iced Coffee Hour”. “Khi ông ấy đứng lên vào cuối cuộc họp và nói: ‘Đây là định hướng mà chúng ta sẽ đi’, thì bạn nên đứng dậy và nghe theo định hướng đó”.
Tuy nhiên, cựu giám đốc Tesla nhận xét rằng, ngoài phong cách làm việc có phần độc đoán trên, ông Musk thường “vui vẻ” nếu nhân viên về phe mình nhưng ông ít khi giao lưu với nhân viên.
“Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy (Musk) giao lưu hay đùa vui với nhân viên”, ông Medlock kể. “Ông ấy chỉ nói chuyện với bạn khi cần làm vậy. Ông ấy không giao lưu với mọi người. Kể cả trong các cuộc họp, Musk cũng không tốn thời gian vào việc chuyện trò mà thường đi thẳng vào vấn đề”.