Giám đốc công ty vàng vận chuyển trái phép gần 9.500 tỷ đồng
Viện kiểm sát xác định bị can Phương đã cầm đầu thực hiện chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hong Kong và từ Hong Kong về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng...

TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng P. về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đinh Thị Diệu Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Lotte P&D Việt Nam bị truy tố về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 8 người khác bị cáo buộc Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngoài ra có 3 cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
VẬN CHUYỂN TIỀN TRÁI PHÉP RA NƯỚC NGOÀI HÀNG TRIỆU USD
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến 2018, bị can Phương đã sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài do Phương thành lập, điều hành để chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước nhằm hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Ở trong nước, Phương sử dụng 7 pháp nhân; ở nước ngoài sử dụng 3 doanh nghiệp tại Hồng Kông gồm Công ty Louis Alliance Company Limited, International Trading HongKong Limited, Global Trading Service Limited.
Cáo trạng thể hiện, từ tháng 8/2014 – 8/2018, Phương thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nhằm chuyển tiền ra nước ngoài trót lọt, Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với 3 doanh nghiệp ở Hong Kong. Ngoài ra, nhóm này còn có hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với nhau để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Tiền được Phương chỉ đạo chuyển ra nước ngoài qua 3 ngân hàng trong nước rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hong Kong thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống.
Ngoài ra, Phương còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài vào Việt Nam bằng cách sử dụng 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông chuyển vào tài khoản cá nhân của Phương, Nguyễn Thị Hồng Nga (vợ Phương), Trần Vinh Quang và tài khoản một số công ty khác. Sau đó, nhóm này rút ngoại tê, quy đổi sang VND để trả nợ các khoản vay ngân hàng, sử dụng vào kinh doanh và chi tiêu cá nhân.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến 2018, Phương với vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phạm Thị Thu Thủy, Đinh Thị Diệu Thúy phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài. Từ đó, nhóm bị can cân đối lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, Phương giao cho Thủy làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân. Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, Thủy trao đổi với Thúy về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Dưới sự chỉ đạo của Phương, Thủy và Thúy đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới dùng 6 doanh nghiệp trong nước lập khống hồ sơ nhập khẩu với 3 doanh nghiệp ở Hong Kong.
Cáo buộc thể hiện, các bị can vận chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua 3 ngân hàng trong nước với tổng số tiền hơn 214,1 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng).
Ngoài ra, Phương còn bị cáo buộc có hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỷ đồng).
Viện kiểm sát xác định bị can Phương đã cầm đầu thực hiện chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hong Kong và từ Hong Kong về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng.
LÀM GIẢ HỒ SƠ HẢI QUAN TINH VI
Theo cáo trạng, Phương giao cho Đinh Thị Diệu Thúy phụ trách bộ phận kế toán. Đến giữa năm 2015, thời điểm các khoản vay phải tất toán, Phương chỉ đạo Thúy và Thủy làm hồ sơ tất toán các khoản nợ cũ và vay tiếp các khoản mới.
Để hoàn thiện các bộ hồ sơ nhập khẩu khống, Thúy đã làm giả hồ sơ hải quan nhập khẩu mặt hàng eXess.
Cơ quan tố tụng xác định, Thúy làm giả 9 tờ khai hải quan có xác nhận của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV3 và Cục Hải quan TP Hải Phòng cung cấp cho ngân hàng để hợp thức hồ sơ thanh toá.
Về cách thức làm giả, Thúy sử dụng phần mềm Excel được cài sẵn trên máy tính, chỉnh sửa nội dung, thông tin, số liệu của các tờ khai hải quan cho phù hợp với hợp đồng kinh tế khống như số tờ khai hải quan, ngày đăng ký, số vận đơn, số lượng container…
Với 2 tờ khai hải quan khác, Thúy truy cập trên mạng internet để tải mẫu con dấu của đơn vị hải quan về máy tính, sau đó chèn các hình dấu này vào các bản mềm tờ khai hải quan.
Trong vụ án này, đối với dấu hiệu “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” của Nguyễn Văn Ất và hành vi có dấu hiệu sai phạm của cán bộ ngân hàng, cơ quan điều tra đã ủy thác tư pháp sang Hồng Kông và Trung Quốc nhưng chưa có kết quả..
Ngoài ra còn có dấu hiệu hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giả ngân để cung cấp cho các ngân hàng, các sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp tín dụng, giải ngân, thanh toán quốc tế xảy ra tại một số tổ chức tín dụng các, các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong quá trình hoạt động của các công ty do Phương quản lý điều hành; dấu hiệu sai phạm của công ty kiểm toán trong việc kiểm toán báo cáo tài chính các công ty của bị can Phương.
Với 2 dấu hiệu tội phạm trên, cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra, xử lý sau.