21:49 07/10/2024

Giám đốc của VPBankS: Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ tái định giá thị trường

Tuệ Lâm

Diễn biến thị trường sắp tới kết hợp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đưa ra sẽ có một giai đoạn tái định giá. Những cổ phiếu đã tăng nóng có kết quả kinh doanh cao thì định giá tiếp tục hấp dẫn, thu hút thêm dòng tiền.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, Yagi là nỗi lo ngại của nhiều nhà đầu tư nhưng trên thực tế, số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, GDP vẫn tăng trưởng vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của siêu bãi Yagi.

GDP quý 3/2024 vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng mạnh trong quý 3/2024, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 cán mốc 6,82%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm năm 2023…

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn "thờ ơ" với những số liệu vĩ mô, Vn-Index giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản mất hút khớp lệnh cả ba sàn xuống còn 13.700 tỷ đồng.

Nhận định về diễn biến thị trường giai đoạn này, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng VN-Index nhiều lần kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm không thành công và có khoảng 5 cây nến gần như đi ngang. Điều này cho thấy tín hiệu phân phối ngắn hạn đang xuất hiện. Đây là giai đoạn nhà đầu tư trong nước tương đối thận trọng trước vùng kháng cự vừa kỹ thuật, vừa tâm lý 1.300 điểm.

Sau cụm nến đi ngang, nhìn vào thanh khoản hạ nhiệt nhanh trong thời gian gần đây là tín hiệu nhiễu động của thị trường. Nếu xét theo tháng thì đã bước vào tháng thứ 8 kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm không thành công.

Trong bối cảnh sideway liên tục, biên trên ở 1.295 – 1.305, biên dưới khoảng 1.175 – 1.200, biên dao động khoảng 100 điểm thì chiến lược giao dịch là cứ chạm cản trên thì chốt lời dần, thị trường xuống gần sát 1.200 thì cân nhắc giải ngân cho trung hạn.

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2013 – 2015, thị trường cũng có khung sideway trước khi bật lên vào 2016 – 2017. Đây là giai đoạn đi ngang điển hình khi mà thị trường chưa có 1 gói hỗ trợ hay gói kích thích đủ mạnh để thị trường đi lên. Như giai đoạn 2016 – 2017, chúng ta có các câu chuyện như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và làn sóng thoái vốn Nhà nước. Chu kỳ tăng thứ 2 sau Covid-19 thì có gói hỗ trợ về mặt lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam thường phản ứng mạnh mẽ với các chính sách nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là gói kích thích kinh tế. Trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng gói hỗ trợ chính sách như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất chính sách, dòng vốn hỗ trợ bơm vào thị trường tốt hơn, tác động tích cực trong năm 2025. Nếu lãi suất hạ thì thị trường chứng khoán chắn chắn có con sóng rất mạnh", ông Sơn nhấn mạnh.

Trong cuộc họp ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nên đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cho người lao động tiếp cận được các chương trình mua nhà. Chuyên gia của VPBankS cho rằng đây là vốn mồi rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ đạo thì gói này có thể xuất hiện cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa. Đây là điều kiện vừa cần và vừa đủ cho đợt sóng tăng mạnh.

Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang có nhiều thông tin gây nhiễu động. Ví dụ như trong tháng 10 có sự nhiễu động liên quan đến luân chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp theo là biến động của thị trường chứng khoán quốc tế khi mà Mỹ đang bước vào giai đoạn bầu cử. Gần đây, lần nào vào chu kỳ bầu cử Mỹ, thị trường có nhịp rung lắc mạnh, tăng cao vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Sau khi bầu cử Mỹ xong, thị trường thường có nhịp xuống đáy kỹ thuật và phục hồi vào giai đoạn cuối năm.

Về mặt định giá, theo dự báo của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành trong năm nay sẽ vào khoảng 20 – 25%. Định giá Forward cho năm 2025 P/E khoảng 9 và P/E không tính Forward khoảng 14 – 15 lần, mức này không quá đắt cũng không quá rẻ. Bởi vậy, nhà đầu tư sẽ chờ đợi thêm kết quả kinh doanh quý III và IV năm nay để đủ sự nhận định. Mặt khác, nhiều cổ phiếu cũng có điều chỉnh định giá sau khi có kết quả kinh doanh quý III và IV.

Câu chuyện định giá là câu chuyện chi phối thời gian tới bởi vì nhiều nhóm ngành đã tăng nóng thì định giá khá cao. Diễn biến thị trường sắp tới kết hợp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đưa ra sẽ có một giai đoạn tái định giá. Những cổ phiếu đã tăng nóng có kết quả kinh doanh cao thì định giá tiếp tục hấp dẫn, thu hút thêm dòng tiền. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III yếu đi kết hợp giá đã tăng tốt thời gian qua thì định giá không còn hấp dẫn nữa và tự điều chỉnh.