Giảm lãi suất điều hành: Độ trễ lan tỏa đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Thông tin cắt giảm lãi suất điều hành từ ngày 16/9 có được đánh giá là cơ hội tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Những tháng cuối năm 2019, thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước?
Như VnEconomy đã từng đưa tin, trước xu thế cắt giảm lãi suất toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm 0,25% đối với bốn loại lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.
Với hành động trên từ phía nhà điều hành, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, đây là động thái "ném đá dò đường", do lãi suất cơ bản hiện nay vẫn đang được giữ tại mức 6.25%.
Xu hướng đối nghịch
Đối với các quốc gia trên thế giới tác động lớn từ thay đổi chính sách tiền tệ đến nền kinh tế thật đều có độ trễ, từ 9 tháng – 18 tháng. Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm lãi suất thường sẽ được các nhà đầu tư cân nhắc vào ngay trong phiên giao dịch mà thông tin cắt giảm lãi suất được công bố, và dần dần thể hiện vào kết quả của các doanh nghiệp và khả năng chấp nhận định giá của nhà đầu tư.
Nguồn: BSC
Theo dõi thị trường tại Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất thường sẽ khiến VN-Index tăng 0,26% ngay trong phiên và kéo dài đến mức 3,4% vào tháng sau. Tuy suy giảm nhẹ sau 3 tháng nhưng VN-Index thường tăng điểm trong 6 tháng sau khi việc cắt giảm lãi suất đã có tác động dần vào nền kinh tế.
Ngược dòng thời gian, trở lại giai đoạn năm 2011 - 2012, đây là giai đoạn khá khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5.89% vào năm 2011 và giảm xuống mức 5.03% vào năm 2012. Tình trạng lạm phát ở mức cao với chỉ số CPI đã tăng lên mức đỉnh 23% vào tháng 8 cùng với mức lãi suất điều hành nằm ở mức 14 - 15% trong năm 2011.
Cùng loạt điểm tối trong bức tranh tài chính đã khiến chỉ số VN-Index giảm 45% về mức 351,55 điểm vào cuối năm 2011 bởi nỗi lo lắng của nhà đầu tư về triển vọng doanh nghiệp và tình hình kinh tế vĩ mô.
Sang đến năm 2012 - 2013, có thể thấy qua đồ thị là giai đoạn Ngân hàng Nhà nước 4 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất, kèm với nền kinh tế phục hồi, các chỉ tiêu vĩ mô ổn định trở lại, VN-Index cũng tăng trưởng tới 17% năm 2012 và 22% năm 2013.
Diễn biến VN-Index và lãi suất điều hành
Theo nhóm nghiên cứu tại BSC, hiện tượng tăng điểm của thị trường chứng khoán xảy ra do việc cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cụ thể, lợi nhuận gia tăng chủ yếu đến từ hai nguyên nhân gồm chi phí đi vay giảm nhẹ sẽ cải thiện hoạt động dòng tiền của doanh nghiệp và tạo thêm nguồn kinh phí để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ M&A; người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn khi các mức lãi suất cho vay suy giảm và từ đó, làm gia tăng trở lại doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, định giá cơ bản cho các doanh nghiệp sẽ được tăng thêm trong các tính toán của các nhà đầu tư do họ cho rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các chính sách kích cầu kinh tế và chi phí nguồn vốn cùng với chi phí cơ hội sẽ thấp hơn.
Vì vậy, BSC nhận định: "Lãi suất điều hành gần như có xu hướng đối nghịch với đà tăng của thị trường chứng khoán".
Dự báo tác động
Trao đổi với chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng, việc cắt giảm lãi suất điều hành khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Do đó, ảnh hưởng của động thái cắt giảm lãi suất điều hành tới mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là không nhiều. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng".
"Các loạt lãi suất được điều chỉnh giảm trong đợt này tác động tới thị trường 2, trong khi câu chuyện thị trường 1 và thị trường 2 không liên quan mạnh mẽ với nhau đã từ lâu. Do vậy, sức lan toả của việc hạ lãi suất từ thị trường 2 lên thị trường 1 e là khá yếu ớt", ông Hiếu nói.
Cùng quan điểm, nhóm phân tích BSC cũng cho rằng, việc dẫn truyền tới thị trường 1 là rất ít và chỉ là tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có thể nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Thực tế cũng cho thấy, làn sóng tăng lãi suất huy động vẫn diễn ra. Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã công bố mức lãi sất cao nhất khi gửi tại dây lên tới 8,76%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 – 36 tháng khi gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất cao nhất trên thị trường đối với sản phẩm gửi tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, BSC đặt ra giả định trong trường hợp lãi suất cho vay và lãi suất huy động của toàn thị trường giảm 0,25% so với mặt bằng trung bình lãi suất hiện nay và đánh giá tác động đến các ngành thì ảnh hưởng lên toàn thị trường là "tích cực".
Trong đó, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp có thể gia tăng khoảng 1% nhờ việc cắt giảm lãi suất đi vay. Các ngành hưởng lợi tích cực phần lớn là do cơ cấu nợ vay cao như bất động sản thương mại; dầu khí; phân bón; điện; thép…(tăng lợi nhuận trước thuế từ 1,6% đến 3,6%).
Ngược lại, ngành bảo hiểm phi nhân thọ bị ảnh hưởng khá tiêu cực nếu giảm 0,25% lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Dự báo của BSC đối với các ngành trên thị trường chứng khoán khi lãi suất cho vay và lãi suất huy động của toàn thị trường giảm 0,25% so với mặt bằng trung bình lãi suất hiện nay