Giảm lãi suất điều hành: “Mang tính định hướng và tâm lý là chủ yếu”
Việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới
Hôm 13/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Tín hiệu cần theo dõi nhất là tăng trưởng M2
Nhờ thông tin này, thị trường trong nước chốt tuần bằng một phiên tăng mạnh, một loạt mã trụ có sự gia tăng thanh khoản đột biến. Về kỹ thuật, với phiên tăng mạnh này, chỉ số VN-Index đã lấy lại toàn bộ mức giảm hơn 10 phiên trước đó.
Tuy nhiên, đánh giá về thông tin cắt giảm lãi suất điều hành, chuyên gia phân tích từ phía Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng dòng tiền được bơm thực tế ra thị trường có thể thấp hơn hoặc không đột biến như kỳ vọng. Việc cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng thường chỉ vận động theo điều hành tiền tệ khi thanh khoản gặp khó khăn trên kênh liên ngân hàng.
BSC cho biết, nguyên nhân của việc điều hành tiền tệ như vậy là do bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất điều hành Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Với diễn biến điều hành chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ gặp thêm áp lực giảm lãi suất tiếp diễn việc cắt giảm tại kỳ họp liền trước, mặc cho các chỉ báo vĩ mô vẫn cho thấy tình hình kinh tế nội địa nước này phát triển ổn định và chưa cho thấy dấu hiệu suy thoái.
Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ tác động đến lãi suất Việt Nam thông qua kênh tỷ giá, cụ thể là việc tỷ giá VND tăng cao so với USD. Việc neo tỷ giá VND với USD sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước phải bán các tài sản bằng VND và mua vào các tài sản bằng USD để điều phối tỷ giá về mức hợp lý. Việc trao đổi như vậy cuối cùng cũng dẫn tới việc giảm lãi suất bằng VND.
Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cũng làm giảm tỷ giá giữa VND và CNY, tránh việc ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.
Thị trường đón nhận thông tư này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. Tuy nhiên, tín hiệu cần theo dõi nhất vẫn sẽ là cung cầu của dòng tiền trên hệ thống tài chính thể hiện qua tăng trưởng M2 trong giai đoạn tới, BSC đánh giá.
Mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu
Trong khi đó, phía Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.
Đánh giá về động thái trên, BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều Ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới", BVSC nêu quan điểm tương đồng với BSC.
Bày tỏ ý kiến nhanh về sự kiện này, nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ, do đó mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể sẽ giảm nhẹ từ quý 1 năm sau.