Giằng co chưa ngã ngũ, VN-Index vẫn chốt dưới mốc 1.500
VN-Index có được màu xanh trong phiên cuối tuần nhưng vẫn chưa thể giành lại mốc 1.500 điểm. Bất lợi chính vẫn đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn và một lần nữa một vài cổ phiếu lại ngăn cản chỉ số đem lại hưng phấn hơn cho thị trường...
VN-Index có được màu xanh trong phiên cuối tuần nhưng vẫn chưa thể giành lại mốc 1.500 điểm. Bất lợi chính vẫn đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn và một lần nữa một vài cổ phiếu lại ngăn cản chỉ số đem lại hưng phấn hơn cho thị trường.
VN-Index ngay khi bước vào đợt khớp lệnh ATC đóng cửa đã đạt 1.499,5 điểm. Ranh giới là không đáng kể và chỉ cần một vài cổ phiếu lớn tăng tốt hơn cũng đủ kiếm về 0,5 điểm, giúp thị trường có điểm tựa hi vọng.
Tuy nhiên ngay cả nửa điểm cũng không dễ kiếm, vì chốt phiên chỉ số lại tụt xuống 1.498,5 điểm. Thị trường vẫn được coi là tăng, với VN-Index xanh, nhưng một lần nữa yếu tố điểm số lại tỏ ra “vô nghĩa”. CTG, VCB, GAS tụt giá đợt ATC đã ngăn chỉ số vượt 1.500. Thực ra mốc này cũng không có nhiều ý nghĩa ngoài câu chuyện tâm lý.
VCB giảm 1,2%, GAS giảm 1,42%, CTG giảm 1,08% là những cổ phiếu quyết định trong đợt ATC. Duy nhất CTG có giao dịch tương đối “tốn kém” nếu nhìn từ góc độ giảm giá. Trong khi VCB chỉ khớp đợt ATC 40.300 cổ, GAS khớp 37.600 cổ, thì CTG cần tới 318.700 cổ để đè giá tụt xuống 3 bước giá.
Dù vậy nếu nhìn từ độ rộng, rổ VN30 nói chung vẫn là nhóm ngăn cản xu hướng tăng ở chỉ số VN-Index. Chỉ số đại diện tuy còn tăng 0,06% nhưng chỉ có 8 mã tăng/18 mã giảm. Nếu không có hai mã khá lớn trong chỉ số này là MWG tăng 3,66% và VPB tăng 1,1% thì chỉ số này đã đỏ. Mặt khác trong 3 mã duy nhất của rổ blue-chips này giảm hơn 1% giá trị, có GAS, VCB, CTG là những cổ phiếu có khả năng tác động mạnh tới VN-Index.
Ngoài nhóm blue-chips, phần còn lại của thị trường vẫn khá tích cực. Độ rộng sàn HoSE duy trì cân bằng với 231 mã tăng/211 mã giảm. Tuy vậy số giảm trên 1% chỉ là 64 mã trong khi số tăng trên 120 mã. Về cơ bản cơ hội để cổ phiếu tăng mạnh vẫn tốt hơn là giảm mạnh. Điều còn lại là nhà đầu tư chọn cổ phiếu nào.
Nhóm dầu khí hôm nay giao dịch kém do giá dầu hạ nhiệt. Ngoài GAS rơi 1,42%, PVS giảm tới 2,27%, PVC giảm 2,26%, PVD giảm 1,26%... Tuy nhiên nhóm phân bón vẫn tăng khá mạnh: DCM tăng 3,1%, DPM tăng 4,76%, BFC tăgn 5,14%, SFG tăng 6,9%.
Nhóm bất động sản vẫn rất mạnh dù tập trung phần lớn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ: CLG, NTB, TIG, OGC, NVT, TDH, DQC... tăng kịch trần thì HAG, HQC, CII, HBC... lại giảm đáng kể. Bất động sản khu cộng nghiệp có SZC, SZL tăng mạnh trong khi ITA, KBC, LHG... lại tăng không đáng kể. Điều này cho thấy ngay trong nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng có sự phân hóa về sức mạnh rõ rệt. Yếu tố đầu cơ với thanh khoản kém đang ảnh hưởng không nhỏ đến biến động giá.
Tổng thể thanh khoản hai sàn niêm yết hôm nay không có cổ phiếu nào giao dịch nổi bật, nhưng vẫn duy trì dòng tiền khá ổn định. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.267 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 4% so với hôm qua. Sàn HoSE giảm hơn 3%, đạt 22.664 tỷ đồng. Đây không phải là mức giao dịch đáng chú ý, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình tuần trước, thể hiện sự tiến triển nhất định về dòng tiền.
Nhà đầu tư nước ngoài lại giảm giao dịch khá nhiều, tổng mức giải ngân trên HoSE chỉ chiếm 5,8% giá trị sàn, đạt 1.413 tỷ đồng. Mức ròng khoảng -49 tỷ đồng, là phiên bán ròng thứ hai trong tuần này. Dù vậy khối này vẫn đã giải ngân ròng +2,5 ngàn tỷ trong tuần, một con số đáng kể sau 3 tuần bán ròng liên tục. DGC vẫn được mua tốt nhất nhưng đã giảm xuống 64,5 tỷ đồng. DPM được mua ròng khoảng 56,2 tỷ, VGC khoảng 27,5 tỷ, VHC hơn 24 tỷ, STB 22,8 tỷ và HDB 22,2 tỷ. Đó là các mã duy nhất được mua ròng đáng kể trên 20 tỷ đồng. Phía bán có VNM -64 tỷ, VCI -57,7 tỷ, DXG -48,7 tỷ là đáng chú ý.