18:08 16/03/2023

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng gần 86%

Phan Linh

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị so với 2021...

Hội nghị Dịch vụ Tài chính bán lẻ xuất sắc 2023.
Hội nghị Dịch vụ Tài chính bán lẻ xuất sắc 2023.

Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022...

"Quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng", ông Hùng nói tại Hội nghị “Dịch vụ Tài chính Bán lẻ xuất sắc năm 2023” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với The Asian Banker Global vừa tổ chức.

 

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và NHNN đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” , đó chính là  cơ hội, các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh,  đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với tình hình mới.

Cũng theo ông, trong xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại trên nền tảng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số.

Theo trên, cùng với tiến trình số hóa, dư nợ cho vay cá nhân của nhóm ngân hàng quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 40% - 50% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, tại một số ngân hàng, tỷ trọng cho vay cá nhân lên đến 90% tổng dư nợ. Cơ cấu khách hàng chuyển dịch theo đúng định hướng, tỷ trọng bán lẻ tăng trưởng ổn định, bền vững ở cả hai chiều huy động và cho vay… Bên cạnh đó, các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, tổng dư nợ của khối công ty tài chính tiêu dùng đạt trên 200.000 tỷ  đồng, tăng trưởng 7,9% so với tháng 12/2021. 

Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ từ hơn 20 quốc gia trong khu vực Châu Á nhận định, phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân hiện đại trên nền tảng công nghệ số sẽ thúc đẩy thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơnk. Trên cơ sở đó, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.

Với các giao diện lập trình ứng dụng (API), dữ liệu mở, các tổ chức tài chính đang tận dụng các cơ hội để cộng tác với fintech và nhà cung cấp bên thứ ba nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng với chi phí thấp hơn cũng như giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới được thiết kế xoay quanh sự tiện lợi và cá nhân hóa. Những đổi mới và phát triển này chứng minh rằng tài chính bán lẻ sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng bán lẻ, ông Emmanuel Daniel, nhà sáng lập TAB toàn cầu cho biết, sự thay đổi của công nghệ đang diễn ra hằng ngày, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trong đó có ngân hàng phải bắt kịp công nghệ trong cuộc cạnh tranh thu hút người dùng.

Theo ông Emmanuel Daniel, ở bất cứ ngành nghề nào trên thế giới, con người vẫn là yếu tố chủ đạo, do đó khách hàng cá đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng. Mỗi nhà băng hiện vừa phải đảm bảo tuân thủ pháp luật vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, áp dụng nhiều yếu tố sáng tạo, trong hoạt động của mình.

Lấy ví dụ về một ngân hàng ở Mỹ có hoạt động huy động vốn rất tốt nhưng lại không phát triển tốt trong việc cho vay, đầu tư đã dẫn tới phá sản, ông Emmanuel Daniel cho rằng, trong thời gian tới, việc huy động tốt sẽ không phải là ưu thế mà ngân hàng nào có tệp khách hàng ổn định, cho vay và đầu tư tốt sẽ phát triển bền vững.

Một đại diện khác đến từ DuBai chia sẻ đã tích cực phối hợp với các đối tác công nghệ để đem lại những “điểm chạm” tốt nhất cho khách hàng. Đơn cử như việc kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với dịch vụ mua bán bất động sản, khi khách hàng muốn mua nhà thì có thể sử dụng dịch vụ vay vốn ngân hàng. Vị đại diện này cho biết đã có 30-40% khách hàng vay bất động sản kết nối từ nền tảng với ngân hàng và sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Một số ý kiến khác cũng nêu tầm quan trọng của dữ liệu và phân tích dữ liệu trong hành trình thấu hiểu khách hàng, trên cơ sở đó sẽ phát triển thêm nhiều dịch vụ ngân hàng gần hơn với yêu cầu của người dùng. Tuy nhiên, câu chuyện này sẽ phụ thuộc một phần vào việc hành lang pháp lý nhanh chóng được hoàn thiện, đơn cử như những quy định rõ ràng hơn về dữ liệu khách hàng.