11:48 26/03/2022

Năm “cú huých” để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa...

Quảng cảnh Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum)
Quảng cảnh Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum)

Ngày 25/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum).

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại đây cho biết, năm 2021 so với năm 2020, thanh toán Internet tăng 48,76% về số lượng và 32,59% về giá trị và thanh toán qua Mobile tăng 75,97% về số lượng và 87,5% về giá trị.

Trong đó, riêng tốc độ tăng trưởng về giao dịch qua ví điện tử bình quân, giai đoạn từ 2017-2021 tăng tới 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, internet banking, QR code, sử dụng công nghệ eKYC…

 

Từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc công nghiệp lần thứ 4, đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.

“Chính sự phát triển này giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng dịch vụ ngân hàng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc. Nhờ vậy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng phát triển mạnh”, ông Hùng đánh giá.

Đồng thời, đại diện Hiệp hội Ngân hàng còn cho rằng, với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, với tỷ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thì tiềm năng của ngân hàng bán lẻ cũng như hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.

Từ thực tiễn triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ông Linh Đức Hoàng, Trưởng Ban Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Agribank chia sẻ, hợp tác, liên kết để cùng phát triển là sự lựa chọn của Agribank trong chiến lược đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, cả ngân hàng và khách hàng đều hưởng lợi.

Cụ thể, ở phía khách hàng, họ được miễn tất cả các loại phí chuyển tiền trong nước trên mọi kênh giao dịch, bao gồm cả phí phát hành thẻ chip. Đồng thời, họ cũng được hưởng nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành khi dùng ứng dụng Agribank E-Mobile Banking.

Ở phía ngân hàng thương mại, số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ thanh toán luôn tăng trưởng ổn định.

 

Việt Nam là 1 trong 6 nước có hoạt động tiền số mạnh mẽ nhất khu vực. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam "vẫn chưa có một nghị định nào hướng dẫn quản lý tài sản ảo".

TS. Cấn Văn Lực

Nhìn chung, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu. Thậm chí, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh theo xu hướng chung của thế giới.

Ông Lực cũng lưu ý, mặc dù phát triển nhanh nhưng hệ thống hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, thói quen dùng tiền mặt của người dân cũng chưa thể thay đổi hoàn toàn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán cho biết, cơ quan này sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa. Các giải pháp được chia thành 5 nhóm chính.

Thứ nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, bổ sung một số Luật, Nghị định liên quan tới hoạt động ngân hàng và xây dựng, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa, đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile như QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, Ví điện tử... Đồng thời khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với fintech.

Thứ ba, phát triển hạ tầng, nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện, phát triển Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH), Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.

Thứ tư, tăng cường an ninh, an toàn bảo mật, xây dựng công cụ, nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm, cần chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chương trình giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt.