"Giáo dục còn bệnh thành tích và dối trá nhưng không dám đối diện"
Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam liên tục đổi nhưng chả mới, vẫn bị bệnh thành tích và dối trá, nhưng không dám đối diện
"Tôi nói thật giáo dục liên tục đổi nhưng chả mới, vẫn còn bệnh thành tích và dối trá nhưng không dám đối diện", Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đại biểu Bùi Văn Phương nhận xét.
Ông Phương là khách mời của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019, ngày 25/4.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, "năm 2018 Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương".
Liên quan đến đánh giá này, một năm trước, khi gửi đến các vị đại biểu báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: "kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng, ngày 15/3 /2018, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 toàn thế giới hay của Đông á - Thái Bình Dương, khu vực này chỉ có 10 nước, nếu đứng thứ 10 khu vực này thì có đáng đưa vào báo cáo không.?, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đại biểu Trần Văn Lâm đặt vấn đề.
Cũng bình luận về giáo dục, đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam liên tục đổi nhưng chả mới, vẫn bị bệnh thành tích và dối trá, nhưng không dám đối diện.
Đề cập đến gian lận thi cử, ông Phương phân tích, trước đây cứ nói là kỳ thi đại học là đáng tin cậy nhất còn kỳ thi tốt nghiệp thì nên thôi đi vì thi thế nào cũng đỗ. Nhưng nay lại đổi mới bằng cách đem nhập kỳ thi nghiêm túc vào kỳ thi không ai tin cả, hậu quả là ngay cả thầy cô giáo cũng nói không tin tưởng, nhiều thầy cô nói nếu thi sòng phẳng như ngày xưa thì giỏi lắm đỗ 30% thôi.
Kỳ thi vừa rồi đề khó mà một số tỉnh lại nâng điểm lên quá cao mới lộ chứ những năm trước đề không quá khó nên không lộ, ông Phương nhận xét.
Khi sự việc đã vỡ ra, theo đại biểu Phương phải xử lý thật nghiêm mới có tính răn đe chứ đừng lo các cháu tổn thương.
Ai nói tự nhiên con mình được nâng điểm thì vô lý, bố mẹ đưa tiền để con được nâng điểm thì là hành vi đưa nhận hối lộ, còn có thể dùng quyền lực để con được nâng điểm cũng phải bị xử lý, người lớn phải chịu trách nhiệm, ông Phương nhấn mạnh.
Phản ánh vừa qua cử tri rất bức xúc về những tiêu cực trong giáo dục, về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, thành viên Uỷ ban Kinh tế, bà Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng Chính phủ cần có đánh giá và giải pháp mang tính căn cơ chứ không phải cứ có vấn đề báo chí nêu thì mới đứng ra xử lý.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đạo tạo Lê Hải An nói về kết quả thì báo cáo chung đã nêu.
Còn về gian lận thi cử quan điểm của Bộ là còn 12 trường hợp đang theo học đại học, thống nhất sau khi có kết luận chính thức thì sẽ xử lý, đặc biệt là cán bộ trong ngành mà tiếp tay cho gian lận cũng xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành.