16:19 06/12/2024

Giáo dục thường xuyên cần hướng tới hệ sinh thái linh hoạt, bền vững, hiệu quả

Như Nguyệt

“Chính sách phát triển Trung tâm trong thời gian tới cần tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội...", ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 6/12, tại Trường Đại học Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho biết trong 3 năm gần đây, số lượng các Trung tâm ổn định về quy mô và số lượng. Đặc biệt, đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập từ các trung tâm cấp huyện đến nay hoạt động đã từng bước đi vào ổn định.

Năm học 2023-2024 cả nước có 92 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; số phòng học và phòng chức năng tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438. Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MOET.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MOET.

Thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên, năm học 2023-2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xoá mù chữ, tăng gần 2,8 lần số học viên so với năm học trước trong đó học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%.

Năm học 2023-2024, số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là 23.677.962 lượt người học (tăng 7.266.436 lượt người học so với năm học 2022-2023).

Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đã đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho khoảng hơn 1.187.701 lượt người học.

Theo ông Hoàng Đức Minh, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của giáo dục thường xuyên là do nhận thức của xã hội về giáo dục thường xuyên còn hạn chế, nguồn lực tài chính đầu tư cho quy mô phát triển Trung tâm còn hạn hẹp, thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn giáo dục thường xuyên, chương trình đào tạo chưa linh hoạt và chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị lạc hậu, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi, thiếu sự đổi mới và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, công tác chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương chưa có sự phân hóa đối với từng vùng miền.

“Chính sách phát triển Trung tâm trong thời gian tới cần tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Các giải pháp chính sách phải hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng, cũng như đảm bảo rằng các trung tâm có thể cung cấp những chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động”, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

Còn theo ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương, chính sách tự chủ tài chính đã mang lại những thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động tài chính của các Trung tâm giáo dục thường xuyên như, tăng cường tính chủ động trong quản lý, có quyền tự quyết định về các vấn đề tài chính, khuyến khích các trung tâm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu nhập…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bám sát với địa phương, nắm bắt chiến lược phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương. Các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng cần quan tâm tổ chức mô hình đa dạng, linh hoạt, phát huy hơn nữa giáo dục cá thể hoá…

“Rất mong các Giám đốc Trung tâm chủ động đề xuất chính sách, mô hình, mạnh dạn đổi mới, thí điểm đổi mới… Giáo dục thường xuyên cần điều chỉnh tâm thế, tư duy, cách làm, bắt tay chuẩn bị cho giai đoạn đổi mới sắp tới”, Bộ trưởng chia sẻ.

 

Luật Giáo dục 2019 quy định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên là một hệ thống cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân với hệ thống 19.391 cơ sở giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Học tập cộng đồng và các Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Trung tâm thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên gồm: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.