Giới đầu cơ Trung Quốc ra sức "lướt sóng" vàng
Theo các nhà phân tích, dòng tiền đầu cơ tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đang tác động tới giá vàng...
Theo tờ báo Financial Times, bất chấp giá vàng tăng kỷ lục gần đây, các nhà đầu cơ tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mua mạnh và cho thấy sức ảnh hưởng tới giá vàng.
Dữ liệu theo dõi của hãng tin Bloomberg cho thấy vị thế mua vàng trên Sàn giao dịch hợp đồng tương lai Thượng Hải (SHFE) hiện đã tăng lên 295.233 hợp đồng, tương đương 295 tấn vàng.
Con số này tăng gần 50% so với cuối tháng 9 năm ngoái – thời điểm trước khi căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông. Hồi đầu tháng này, số hợp đồng mua vàng trên sàn này lập kỷ lục 324.857 hợp đồng.
Trong đó, công ty giao dịch Zhongcai Futures đã mua một lượng lớn hợp đồng tương lai vàng trên SHFE, tương đương hơn 50 tấn vàng, trị giá gần 4 tỷ USD. Số vàng này tương đương hơn 2% vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC).
Tuần trước, lượng vàng giao dịch trong một phiên trên SHFE tăng vọt lên mức cao gấp hơn 5 lần so với bình quân năm ngoái. Theo các nhà phân tích, cơn sốt này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng vượt mốc 2.400 USD/ounce trong tháng này.
“Giới đầu cơ Trung Quốc đang mua vàng điên đảo”, ông John Reade, chiến lược gia thị trường trưởng tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhận xét. “Các thị trường mới nổi là khách hàng mua vàng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhưng sức mua của họ thường không đủ để gây ảnh hưởng tới giá vàng do sức mạnh dòng tiền của phương Tây. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi mà dòng tiền đầu cơ tại các thị trường mới nổi đang tác động tới giá vàng”.
Kể từ tháng 11/2022 đến nay, giá vàng đã tăng hơn 40%, một phần do động thái mua vào kỷ lục của ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi trong bối cảnh các cơ quan này muốn đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng USD và bảo vệ đồng nội tệ.
PBOC dẫn đầu xu hướng này khi mua vàng suốt 17 tháng liên tiếp, kể từ tháng 11/2022 – giai đoạn mua vào dài nhất từ trước tới nay. Năm 2023, cơ quan này mua thêm 225 tấn vàng, nâng dự trữ vàng lên 2.235 tấn, chiếm khoảng 4,3% dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc.
Vàng thường được xem là một kênh đầu tư phổ biến trong bối cảnh lạm phát và đồng nội tệ mất giá. Kim loại này tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò “trú ẩn an toàn” kể từ khi xung đột Israel-Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Tuần trước, giá vàng lập kỷ lục mọi thời đại 2.431 USD/ounce. Dù giá vàng tăng trong các giai đoạn bất ổn không phải điều lạ, nhưng mức độ tăng lần này khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền rút khỏi các quỹ ETF vàng ở Mỹ và châu Âu.
Theo một số nhà phân tích, hoạt động sôi sục trên SHFE và Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) là một động lực chính của cơn sốt vàng hiện tại. Lượng giao dịch hợp đồng vàng trên các sàn này tăng gấp đôi trong tháng 3 và tháng 4 so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nhà đầu tư Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư khỏi lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng và thị trường chứng khoán đi xuống.
Zhongcai Futures là một trong những công ty giao dịch Trung Quốc mua vàng với số lượng lớn thời gian qua. Các công ty khác như Citic Futures và Guotai Junan Futures, cũng có vị thế mua lớn với các hợp đồng tương lai vàng trên SHFE.
“Các nhà giao dịch ngắn hạn trên thị trường hợp đồng tương lai, có thể khiến giá tăng hoặc giảm rất nhanh. Chúng ta đã thấy điều này nhiều lần trong những năm qua”, ông Reade nhận xét.