16:51 03/05/2018

Giới đầu tư chứng khoán châu Á đối mặt nhiều lý do để bán cổ phiếu

Bình Minh

Có hàng loạt lý do để giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á bán ra cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 3/5

Philippines là một trong những thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh ở khu vực châu Á ngày 3/5.
Philippines là một trong những thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh ở khu vực châu Á ngày 3/5.

Có hàng loạt lý do để giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á bán ra cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 3/5: khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong tháng 6, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung âm ỉ, và đồng nội tệ mất giá.

Theo hãng tin Bloomberg, tất cả những yếu tố này đều đang nối dài danh sách những lý do khiến các nhà đầu tư chứng khoán tại khu vực châu Á "đau đầu" thời gian gần đây.

Lý thuyết "sell in May" (bán trong tháng 5) có vẻ sẽ được chứng minh trong năm nay: trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,5%, đánh dấu ngày giảm thứ ba liên tiếp, khi hầu hết các thị trường trong khu vực "nối gót" phiên giảm vào ngày thứ Tư của chứng khoán Mỹ.

Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông có thời điểm giảm 2%, trong khi các chỉ số của chứng khoán Indonesia và Philippines giảm ít nhất 2%. Chứng khoán Nhật đóng cửa nghỉ lễ.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư, FED giữ nguyên lãi suất nhưng nói rằng lạm phát đang gần đạt mục tiêu trung hạn và kỳ vọng các điều kiện kinh tế sẽ diễn biến theo hướng đảm bảo cho việc nâng lãi suất một cách từ tốn.

"Dự báo về lạm phát tăng của FED gây bất lợi cho thị trường chứng khoán, bởi nó củng cố khả năng FED tăng lãi suất 3-4 lần trong năm nay, mà lần tăng tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6", nhà phân tích Lex Azurin thuộc AB Capital Securities ở Manila nhận định. Theo ông Azurin, lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ trở nên nhỏ hơn khi lãi suất và lạm phát tăng.

Sức ép từ FED

Việc FED duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ giá đồng USD và gây sức ép mất giá lên đồng Đôla Hồng Kông và thị trường chứng khoán Hồng Kông - theo nhà phân tích Ken Chen thuộc KGI Securities ở Thượng Hải.

"Giá cổ phiếu đang điều chỉnh để phản ánh mức định giá mà thị trường cho là có thể bù đắp cho lãi suất và lạm phát tăng", ông Jonathan Ravelas, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc BDO Unibank, phát biểu. "Giá cổ phiếu giảm cũng phản ánh rằng nhiều nhà đầu tư đã tính đến hai lần FED nâng lãi suất trong năm nay, nhưng tuyên bố của FED cho thấy có thể sẽ có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất".

Nỗi lo thương mại

Mâu thuẫn thương mại đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang phủ bóng đen lên thị trường. Một quan chức Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ không khuất phục "những lời đe dọa" từ Mỹ - một tín hiệu cho thấy xung đột sẽ không sớm được giải quyết.

"Nỗi lo thương mại vẫn treo lơ lửng trên thị trường, vì các nhà đầu tư chưa nhận thấy cách nào có thể đi đến một giải pháp nhanh chóng", ông Linus Yip, chiến lược gia trưởng của First Shanghai Securities, nhận định.

Chứng khoán Indonesia bị bán mạnh

Cùng với thị trường Hồng Kông, thị trường chứng khoán Indonesia đang trong tâm trạng bán. Đồng Rupiah đã giảm ngày thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, khiến chỉ số chứng khoán Indonesia giảm tới 2,5%.

"Sự giảm giá của đồng Rupiah tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán", ông John Teja, Giám đốc % Ciptadana Sekuritas Asia, nhận định. "Dữ liệu lạm phát tháng 4 yếu hơn dự báo cũng là một tín hiệu cho thấy tiêu dùng của Indonesia đang yếu".

Ảnh hưởng của tỷ giá

"Ai lại muốn mua cổ phiếu ở một quốc gia mà đồng tiền đang mất giá?" ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Oanda Corp., phát biểu. "Có vẻ như chúng ta đang chuyển từ câu chuyện về sự tăng trưởng đồng loạt trên toàn cầu cách đây vài tuần sang câu chuyện về sự suy giảm đồng loạt trên toàn cầu".

Theo ông Innes, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn chưa chuyển hẳn sang trạng thái "risk-off" (tránh các tài sản có độ rủi ro cao hơn), nhưng các nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu có quan điểm rằng "thị trường không thể tốt hơn được nữa", trở nên thận trọng hơn với lãi suất tăng và xung đột thương mại, thay vì theo đuổi lợi nhuận gia tăng của các doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán Australia lạc quan

Trái với xu hướng giảm điểm chung của chứng khoán khu vực, thị trường chứng khoán Australia tăng phiên thứ 5 liên tiếp, phục hồi sự mất mát trong đợt giảm từ tháng 2. Các nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản và tài chính dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Australia.

Nhà phân tích Julia Lee thuộc Bell Direct nói rằng "khá bất thường" khi chứng khoán Australia không đi theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Bà Lee nói lực mua kỹ thuật đã tăng sau khi chỉ số chính của thị trường Australi vượt mức 6.000 điểm. "Có vẻ thị trường Australia đang lạc quan", nhà phân tích này phát biểu.