Giới đầu tư lạc quan, chứng khoán châu Á gần kỷ lục
Tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư tăng mạnh trong bối cảnh khởi sắc đồng đều của nền kinh tế toàn cầu
Thị trường chứng khoán châu Á ngày 3/1 tăng lên gần mức kỷ lục mọi thời đại, khi tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư tăng mạnh trong bối cảnh các số liệu sản xuất tiếp tục cho thấy sự khởi sắc đồng đều của nền kinh tế toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, các chỉ số được công bố gần đây cho thấy hoạt động của ngành chế tạo-chế biến diễn ra đặc biệt mạnh ở châu Âu, nâng lợi suất trái phiếu của khu vực này, đồng thời đưa tỷ giá đồng Euro lên gần mức cao nhất so với đồng USD.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng rót mạnh tiền vào các thị trường mới nổi, đưa chứng khoán Philippines lên mức cao chưa từng có, chứng khoán Thái Lan lập đỉnh 24 năm, và chứng khoán Hồng Kông đạt mức điểm cao nhất 10 năm.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,4% trong phiên ngày thứ Tư, sau khi đã tăng 1,4% trong phiên ngày thứ Ba - phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2017.
Ở mức 579,46 điểm hiện nay, chỉ số trên đang tiến gần mốc kỷ lục mọi thời đại 591,5 điểm thiết lập vào cuối năm 2007.
Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip Trung Quốc đã có 4 phiên tăng liên tiếp, trong khi thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.
Trước đó, vào đêm qua, thị trường chứng khoán Phố Wall đã có phiên khởi đầu năm 2018 với xu hướng tăng điểm từ năm trước, thiết lập thêm những kỷ lục mới. Trong đó, chỉ số Dow Jones tăng 0,42%, S&P 500 tăng 0,83%, và Nasdaq tăng 1,5%.
Độ ham thích rủi ro của các nhà đầu tư gia tăng sau khi các cuộc khảo sát về sản xuất công nghiệp từ Ấn Độ tới Đức, Canada cho thấy sự tăng tốc.
"Phạm vi phục hồi tăng trưởng là rất rộng lớn", chiến lược gia Alan Ruskin của Deutsche Bank nhận định. "Nền kinh tế toàn cầu và các tài sản rủi ro đang vững bước vào một chu kỳ đi lên… Đây không phải là một nền kinh tế toàn cầu cần tới những chính sách hỗ trợ tăng trưởng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) theo đuổi".
Khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực Eurozone đang tăng mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ. Điều này củng cố những đồn đoán cho rằng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE) trong năm nay.
Khả năng các ngân hàng trung ương khác có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến đồng USD suy yếu mạnh ngay trong những phiên đầu tiên của năm mới. So với một rổ gồm 6 đồng tiền mạnh, tỷ giá đồng USD đang thấp nhất trong 3 tháng.
Đồng USD giảm giá đã mở đường cho sự tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản được định giá bằng đồng tiền này.
Giá vàng thế giới có lúc vượt mức 1.320 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 9, trước khi giảm về dưới 1.315 USD/oz.
Giá dầu thô cũng có lúc đạt mức cao nhất từ giữa năm 2015, sau đó chững lại khi có tin các đường ống dẫn dầu lớn ở Libya và Anh trở lại hoạt dộng bình thường, cũng như sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh.
Giá dầu thô Brent tại thị trường London vào chiều nay theo giờ Việt Nam dao động trên mức 66,5 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ tại Mỹ gần mức 60,4 USD/thùng.