Giới lãnh đạo tài chính châu Á tụ họp tại Hà Nội
Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo tài chính khu vực châu Á tổ chức hội nghị thường niên tại Hà Nội, trong hai ngày 12 và 13/11
Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo tài chính khu vực châu Á tổ chức hội nghị thường niên tại Hà Nội, trong hai ngày 12 và 13/11.
Hội nghị này do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) – hiệp hội toàn cầu của các định chế dịch vụ tài chính – tổ chức, với sự tham gia đồng tổ chức của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB).
Ông Charles Dallara, Giám đốc điều hành IIF, cho biết: “Với lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, hội nghị này đánh dấu một mốc quan trọng của Việt Nam trên hành trình hội nhập kinh tế và tài chính toàn cầu, cũng như đối với các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia vào việc chia sẻ quan điểm về các vấn đề kinh tế và tài chính mang tính thời sự cùng với các ngân hàng trong khu vực châu Á”.
Tại hội nghị này, các nhà đồng tổ chức đã thông báo các chủ đề chính về sự trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu; những thay đổi về quản lý điều tiết tài chính; triển vọng của ngành ngân hàng châu Á; các cải cách kinh tế, tài chính của Việt Nam và triển vọng cho tương lai; vai trò của hoạt động tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng quy mô nhỏ trong tăng trưởng kinh tế châu Á.
Hội nghị này cũng dành một buổi thảo luận về các cải cách kinh tế và tài chính của Việt Nam, có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank, MB và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Tại buổi thảo luận này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), một lần nữa nhấn mạnh đến những hiệu quả của các chính sách ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế mà Chính phủ đã và đang triển khai, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất với sự khác biệt của Việt Nam; nêu quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới một cách linh hoạt và thận trọng.
Trong khi đó, mối quan tâm của các đại diện giới tài chính châu Á được đưa ra ở các tham luận cụ thể là về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tình hình và triển vọng của các dòng vốn, vấn đề lãi suất và tỷ giá của Việt Nam hiện nay.
Một nhận định được đưa ra tại hội nghị này là Việt Nam tiếp tục là một nền kinh tế có tăng trưởng cao trong khu vực, có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển thị trường tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên đà tăng chậm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay được giải thích từ sự thận trọng của giới đầu tư nước ngoài sau những ảnh hưởng của khủng hoảng, trong khi đó những mối quan tâm cụ thể khác là bao giờ Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối, sự cân đối trong cho vay và đầu tư trên thị trường bất động sản tại các thành phố lớn…
Về phía các nhà đồng tổ chức, đại diện Vietcombank và MB cùng hy vọng rằng, ngoài việc chia sẻ các quan điểm và kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo tài chính hàng đầu châu Á trong những vấn đề trên, các ngân hàng Việt Nam có thêm cơ hội để thắt chặt quan hệ với các đối tác trong cộng đồng tài chính toàn cầu, hướng tới các mối quan hệ và cơ hội kinh doanh trong tương lai.