11:44 09/07/2024

Giới tài phiệt Nga đón “cơn mưa” cổ tức

Bình Minh

Sau khi suy giảm trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh, nền kinh tế Nga đã phục hồi mạnh mẽ...

Tỷ phú Nga  Alexey Mordashov - Ảnh: Bloomberg.
Tỷ phú Nga Alexey Mordashov - Ảnh: Bloomberg.

Các nhà tài phiệt của Nga đã nhận được hàng tỷ USD cổ tức khi doanh nghiệp của họ nối lại hoặc tăng mức chi trả cổ tức dù tình hình nền kinh tế Nga còn nhiều bấp bênh trong bối cảnh cuộc chiến tranh với Ukraine.

Theo hãng tin Bloomberg, ít nhất 12 nhà tài phiệt Nga đã nhận được tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ rúp, tương đương 11,3 tỷ USD, tiền cổ tức trong năm 2023 và quý 1 năm nay. Trong số này, có nhiều nhân vật bị phương Tây áp các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến đang ở năm thứ ba.

Ông Vagit Alekperov, cổ đông chính kiêm cựu Chủ tịch của hãng dầu lửa khổng lồ Lukoil PJSC, là người nhận nhiều cổ tức nhất, khoảng 186 tỷ rúp. Ông này bị Anh và Australia áp lệnh trừng phạt, nhưng đến hiện tại vẫn tránh được sự trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo sau là tỷ phú Alexey Mordashov của công ty thép Severstal PJSC và tỷ phú Vladimir Lisin của công ty thép Novolipetsk Steel PJSC, nhận số cổ tức tương ứng là 148 tỷ rúp và 121 tỷ rúp. Ông Mordashov hiện đang chịu sự trừng phạt của Mỹ, Anh và EU, nhưng ông Lisin không phải chịu bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.

Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ lên Nga nhằm đáp trả việc Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022. Sự trừng phạt của phương Tây đã khiến nhiều công ty Nga có thời điểm tạm dừng việc trả cổ tức do lo ngại nền kinh tế trong nước có thể suy sụp. Tuy nhiên, mối lo này đã không trả thành hiện thực vì nền kinh tế Nga đã dần thích ứng được với các điều kiện mới và các nhà xuất khẩu của Nga tìm được thị trường thay thế.

Sau khi suy giảm trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh, nền kinh tế Nga đã phục hồi mạnh mẽ nhờ Chính phủ nước này chi tiêu mạnh tay cho ngành công nghiệp quốc phòng, bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, và cung cấp hỗ trợ xã hội cho các hộ gia đình.

Quý 1 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nga tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cơ bản của Nga đã nối lại việc trả cổ tức sau khi điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ở bán cầu Nam.

Một số doanh nghiệp quốc doanh như hãng khí đốt Gazprom Neft PJSC và ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank PJSC thậm chí chưa hề dừng trả cổ tức bởi vẫn tiếp tục đạt lợi nhuận kỷ lục trong thời gian chiến tranh. Tháng trước, cổ đông Sberbank thông qua kế hoạch trả số cổ tức kỷ lục 752 tỷ rúp cho năm 2023.

Dù vậy, nền kinh tế Nga có thể đối mặt nhiều thách thức trong nửa sau của năm nay và trong năm 2025, có thể khiến Chính phủ nước này phải tăng thuế - theo CEO Chris Weafer của công ty tư vấn Macro-Advisory LTd. Đối với nhiều chủ doanh nghiệp, họ cảm thấy “tốt hơn hết nên nhận tiền từ bây giờ thay vì để đó và có nguy cơ phải đóng thuế nhiều hơn vào năm tới”, ông Weafer nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, các công ty Nga đang đối mặt khó khăn ngày càng lớn trong việc thanh toán do các biện pháp trừng phạt của phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Vì lý do này, Nga có thể rơi vào tình trạng khan hiếm linh kiện công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh cảnh báo áp các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên ngân hàng ở các quốc gia mà coi là “thân thiện”. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với sở giao dịch chứng khoán Moscow đã khiến sàn này phải dừng hoạt động giao dịch bằng đồng USD và euro.

Nhà tài phiệt Nga (tên công ty) và mức cổ tức mà họ nhận được trong thời gian từ đầu năm 2023 đến hết quý 1/2024. Đơn vị: tỷ rúp - Nguồn: Bloomberg.
Nhà tài phiệt Nga (tên công ty) và mức cổ tức mà họ nhận được trong thời gian từ đầu năm 2023 đến hết quý 1/2024. Đơn vị: tỷ rúp - Nguồn: Bloomberg.

Tháng trước, Bộ Tài chính Nga tăng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2024 lên 2,12 nghìn tỷ rúp, tương đương 1,1% GDP, từ mức 1,595 nghìn tỷ rúp trước đó. Với lạm phát đang ở mức caao hơn gấp đôi mục tiêu 4%, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có thể sẽ nâng lãi suất thêm tới 2 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng này, từ mức 16% hiện nay.

Một vấn đề nữa đối với các nhà tài phiệt Nga hiện nay là liệu có nên dùng tiền cổ tức để đầu tư, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt đã khiến nhiều người trong số họ mất cơ hội ở thị trường nước ngoài và thay vào đó phải tập trung vào thị trường trong nước.

Hồi tháng 5, các nhà đầu tư tư nhân đã rót ròng 116,3 tỷ rúp vào thị trường chứng khoán Moscow, đánh dấu tháng đầu tư mạnh nhất trong năm nay.

Đầu tư vào các ngành công nghiệp tại Nga đã tăng 14,5% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục khoảng 6 nghìn tỷ rúp - theo dữ liệu của CBR. Dù vậy, các cơ hội đầu tư trong nước vẫn khá hạn hẹp.

“Các nhà tài phiệt đang cảm thấy quá nhiều bấp bênh để đầu tư lớn vào thời điểm này”, trong khi họ có thể nhận được mức lãi suất cao khi gửi tiền vào các ngân hàng Nga. “Cách khôn ngoan nhất bây giờ là chờ đợi”, ông Weafer nói.