Giới thượng lưu với những xu hướng du lịch sức khỏe kỳ lạ
Theo một báo cáo của Viện Sức khỏe toàn cầu, chi phí du khách bỏ ra cho những chuyến đi chăm sóc thể chất sẽ tăng từ 436 tỷ USD lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2025…
Báo cáo năm 2022 của Grand View Research đã chỉ ra rằng thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt một nghìn tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên thế giới đang đầu tư vào các liệu pháp cổ truyền hoặc các trang thiết bị sử dụng công nghệ tân tiến nhất nhằm nắm bắt được xu hướng mới này.
Tại Miami (Mỹ), Tammy Pahel, Phó chủ tịch phụ trách mảng nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe của Carillon Miami Wellness Resort đã nhận thấy sự gia tăng của nhu cầu trị liệu sức khoẻ, khi ngày càng nhiều du khách tìm đến khu nghỉ dưỡng để hỏi về các dịch vụ trị liệu. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Carillon đã đầu tư hơn một triệu USD vào khu spa rộng 6.500 m2 bao gồm 7 ngạch chăm sóc sức khỏe với những trang thiết bị hiện đại nhất nhằm giải quyết nhiều vấn đề như căng thẳng, mất ngủ, đau, căng cơ...
Trong đó, “công nghệ không chạm” là tân tiến nhất, khi có thể phục vụ du khách mà không cần có chuyên gia hỗ trợ. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm tắm muối nổi và trị liệu bằng ánh sáng đỏ làm dịu, cũng như giường sử dụng âm thanh và sóng điện từ có thể đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi sâu. Các phòng nghỉ tại đây cũng được trang bị nệm Bryte, sử dụng AI để phân tích các thói quen về giấc ngủ như nhiệt độ hay độ mềm của nệm.
Khu nghỉ dưỡng Six Senses tại hòn đảo thiên đường Ibiza (Tây Ban Nha) cũng là một điểm đến du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe nổi tiếng. Khu nghỉ dưỡng đã hợp tác với Rose Bar - trung tâm nghiên cứu về tuổi thọ con người - nhằm cung cấp các chương trình trị liệu như kiểm tra sức khỏe toàn diện với các liệu pháp như oxy cao áp (dùng oxy tinh khiết ở áp lực cao nhằm đẩy nhanh quá trình chữa lành của cơ thể), liệu pháp lạnh hay xét nghiệm phân tích DNA để kiểm tra tốc độ lão hoá của tế bào; tiêm tĩnh mạch, tấn công sinh học,...
Dự kiến trong năm nay, Six Senses và Rose Bar đưa vào hoạt động một chương trình trị liệu mới nhằm đánh giá thời gian sinh học và chu kỳ giấc ngủ tự nhiên, từ đó đưa ra những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ của du khách trong thời gian lưu trú. Giá phòng tại khu nghỉ dưỡng khởi điểm từ 827 USD/đêm. Đối với các chương trình trị liệu của Rose Bar, du khách có thể đăng ký gói một ngày, ba ngày hoặc bảy ngày với giá giao động 540 - 4.600 USD.
Khái niệm "sleep tourism" (du lịch ngủ) cũng đang trở nên phổ biến sau đại dịch. Ước tính có tới 50 đến 70 triệu người Mỹ trưởng thành mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Điều này lý giải tại sao "du lịch ngủ" lại trở thành một trong những xu hướng du lịch mới trong hai năm trở lại đây. Năm ngoái, khách sạn Park Hyatt New York đã khai trương Bryte Restorative Sleep Suite. Đây là loại phòng rộng hơn 80m2 thiết kế đầy đủ tiện nghi để nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tương tự, Rosewood Hotels & Resorts mới ra mắt một chương trình được thiết kế nhằm "thúc đẩy việc ngủ nghỉ".
Nhà thôi miên và trị liệu Malminder Gill sớm nhận thức về tầm quan trọng của giấc ngủ với con người, nhất là những doanh nhân bận rộn. Ông đã hợp tác cùng Cadogan, khách sạn ở London, tạo ra dịch vụ dành cho du khách có vấn đề về giấc ngủ mang tên "Sleep Concierge". Đây là dịch vụ cung cấp bản ghi âm thiền định giấc ngủ, danh sách những loại gối phù hợp từng tư thế ngủ, trà giúp ngon giấc và xịt thơm gối. "Khi kết hợp chúng với nhau, bạn sẽ có giấc ngủ chất lượng", nhà trị liệu Gill khẳng định.
Nhưng mỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng lại cung cấp cho khách những liệu trình khác nhau, tùy theo hướng tiếp cận. Thương hiệu khách sạn hạng sang Six Senses cung cấp chương trình "ngủ ngon trong 3 - 7 ngày". Trong khi khách sạn Brown's ở Mayfair, London, ra mắt trải nghiệm hai đêm với lời quảng cáo "đưa khách chìm vào giấc ngủ bình yên".
Trong khi đó, tuy không phải lo lắng về giấc ngủ nhưng nhiều khách du lịch thượng lưu sẵn sàng chi tiền đến Áo để sử dụng liệu trình… nhịn ăn và kết hợp nghỉ dưỡng nhằm cải thiện sức khỏe. Lanserhof, một phòng khám đã hoạt động 35 năm cách thành phố Innsbruck (Áo) chưa đầy 5 dặm, là địa điểm thu hút nhiều kiến trúc sư, doanh nhân, chuyên gia tài chính và nhiều nhóm khách hàng thượng lưu khác. Khi tới đây, họ thường tự “bỏ đói” chính mình khi tham gia chương trình kỳ lạ: chỉ tiêu thụ trung bình 650 calo mỗi ngày, tờ Barrons đưa tin.
Việc nhịn ăn dưới sự giám sát y tế từ lâu đã trở nên phổ biến tại các phòng khám ở Đức và Áo. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng với chăm sóc sức khỏe dựa trên phương pháp khoa học đang tăng mạnh và có xu hướng vượt ra khỏi biên giới châu Âu. Tại phòng khám của Lanserhof, khách hàng được sử dụng máy theo dõi nhịp tim trong 24 giờ để biết các hoạt động như làm việc, nghỉ ngơi và ăn uống tác động đến mức năng lượng và chất lượng giấc ngủ ra sao. Trước kia, các bệnh nhân tìm tới Lanserhof thường là những người có độ tuổi khá lớn, tuy nhiên, trong những năm gần đây, độ tuổi trung bình của khách hàng đã giảm từ 55 xuống còn 47 tuổi.
Tuy nhiên, nhịn ăn không phải là phương pháp duy nhất được áp dụng ở thời điểm hiện tại. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe người Hà Lan Wim Hof đã tự xây dựng doanh nghiệp của bản thân và trở nên nổi tiếng trên toàn cầu với hai hướng tiếp cận để chống lại sự hao mòn của tâm trí và cơ thể: tắm nước đá và hít thở chậm.
Hàng trăm người trên khắp thế giới đã thực hiện theo phương pháp của Hof, bao gồm cả ông James Stewart ở Chicago (Mỹ). Khoảng 10 năm trước, Stewart là người duy nhất dám đối mặt với thời tiết lạnh giá quanh hồ Michigan vào mùa đông để ngâm mình xuống dòng nước. “Nhưng bây giờ, có khoảng 50 đến 70 người cùng làm thế. Bạn sẽ nhận ra rằng lượng hormone epinephrine và norepinephrine tăng đột biến, cơ thể như được hồi sinh", ông Stewart cho hay.
Chris Kam, chủ tịch và giám đốc điều hành công ty nghiên cứu của Omnitrak, chuyên thực hiện các cuộc khảo sát du lịch quốc gia thường xuyên cho biết, những gì mọi người muốn từ một kỳ nghỉ đang thay đổi. Giờ đây, trải nghiệm du lịch trở thành một nơi để mọi người "chữa lành", giải tỏa căng thẳng cả về tinh thần lẫn thể chất.