11:03 23/03/2023

Hong Kong và Singapore là hai thành phố đắt đỏ nhất châu Á với du khách doanh nhân

Tường Bách

Kết quả nghiên cứu cho biết lạm phát ở nhiều điểm đến trên khắp châu Á đã góp phần làm gia tăng đáng kể chi phí đi công tác tính theo đồng nội tệ…

Một chuyến công tác tại Hong Kong hiện có giá trung bình 520 USD/ngày. Ảnh: CNN
Một chuyến công tác tại Hong Kong hiện có giá trung bình 520 USD/ngày. Ảnh: CNN

Du khách doanh nhân thường là một người hoặc một nhóm người đại diện cho công ty, doanh nghiệp của họ đi làm việc, công tác tại một địa phương/quốc gia khác. Tùy thuộc vào quy mô công ty, khách doanh nhân sẽ tự đặt chỗ ở và phương thức di chuyển, thường sẽ thông qua các kênh OTA, trang web khách sạn/du lịch hoặc công ty sẽ thay mặt họ thông qua các đại lý du lịch và hệ thống phân phối toàn cầu.

Khách doanh nhân thường trở lại những điểm đến giống nhau mỗi năm hoặc nhiều lần trong năm. Tần suất, thời gian và mức chi tiêu của các chuyến đi sẽ bị ảnh hưởng bởi ngành nghề công việc, giới tính, tuổi tác và sở thích cá nhân cụ thể của khách doanh nhân. 

Để phục vụ đối tượng du khách chi tiêu cao này, nghiên cứu Daily Rates mới nhất của ECA International xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên chi phí cho các chuyến đi ngắn nhằm giúp các tổ chức dự đoán chi phí cho các chuyến công tác và nhiệm vụ ngắn hạn. Tiêu chí xếp hạng bao gồm giá phòng khách sạn 4 sao, bữa ăn, giặt là, đồ uống có cồn, nước ngọt, hành trình taxi và các chi phí phát sinh.

Dựa trên thông tin thu thập vào năm 2022 từ 457 điểm đến ở hơn 190 quốc gia, năm ngoái là năm thứ hai liên tiếp, Hong Kong (Trung Quốc) trở thành thành phố đắt đỏ nhất châu Á đối với du khách là doanh nhân. Một chuyến công tác tại đây hiện có giá trung bình 520 USD/ngày. Thành phố cũng được xếp là địa điểm đắt thứ 16 cho các chuyến công tác trên thế giới.

Một chuyến công tác tới Singapore hiện có chi phí trung bình là 515 USD/ngày.
Một chuyến công tác tới Singapore hiện có chi phí trung bình là 515 USD/ngày.

"Chi phí khách sạn tiếp tục chiếm phần lớn trong tổng phí công tác, điều này có thể là do nhu cầu của người dân địa phương tăng lên cũng như các khách sạn phải duy trì giá phòng để trang trải chi phí bổ sung liên quan đến dịch vụ trong đại dịch Covid-19", ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International nói trên CNBC.

Đặc biệt, Singapore đã vượt qua Tokyo để trở thành thành phố đắt đỏ thứ hai châu Á sau Hong Kong. Singapore cũng là điểm đến xếp hạng thứ 19 trên toàn cầu trong năm 2022 về chi phí đắt đỏ. ECA International cho biết một chuyến công tác tới Singapore hiện có chi phí trung bình là 515 USD/ngày – đắt hơn 34 USD so với năm ngoái.

Chi phí tăng mạnh ở Singapore là do nước này sớm loại bỏ các hạn chế nhằm kích thích nhu cầu đi lại. "Nhu cầu tăng mạnh đã góp phần làm tăng chi phí lưu trú tại khách sạn trong khi chi phí liên quan đến các nhu yếu phẩm hàng ngày khác cũng tăng với tốc độ nhanh hơn so với các địa điểm khác trong khu vực", ông Quane chia sẻ.

Năm nay, Tokyo giảm một bậc trong bảng xếp hạng, rơi xuống thứ 3 trong danh sách những thành phố đắt đỏ của châu Á. "Sự mất giá của đồng Yên so với đồng đô la Mỹ dẫn đến sự sụt giảm xếp hạng của thành phố Nhật Bản trong năm nay. Với chi phí trung bình hàng ngày là 424/USD mỗi ngày, chuyến công tác đến Tokyo được đánh giá là rẻ hơn khoảng 20% so với Hong Kong", ông Quane nói.

Trong khi đó, các thành phố Sri Lanka, Lào và Pakistan có mức tăng chi phí cao nhất đối với khách du lịch. Chi phí đi công tác ở Colombia, Sri Lanka đã tăng cao hơn 75% so với năm ngoái. "Điều này chủ yếu xuất phát từ lạm phát cao và đồng tiền mất giá, vì một số chi phí liên quan đến việc đi công tác… thường được trả bằng đồng đô la Mỹ khi những người đi công tác nước ngoài đến đây”.

Với bảng xếp hạng trên phạm vi toàn cầu, New York (Mỹ) được xếp là nơi đắt đỏ nhất thế giới cho các chuyến công tác.
Với bảng xếp hạng trên phạm vi toàn cầu, New York (Mỹ) được xếp là nơi đắt đỏ nhất thế giới cho các chuyến công tác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các điểm đến ở châu Á đều tăng chi phí giống nhau. “Các thành phố như Pattaya và Chiang Mai ở Thái Lan, cùng với Denpasar ở Indonesia đều ghi nhận tốc độ tăng chi phí bằng đồng nội tệ không đáng kể vào năm 2022, dao động từ 1% đến 3%. Ngay cả một trung tâm du lịch như Bangkok, nơi thường đón nhiều khách công tác, cũng chỉ ghi nhận chi phí đi công tác tăng vừa phải 4%", ECA International cho biết.

Với bảng xếp hạng trên phạm vi toàn cầu, New York (Mỹ) được xếp là nơi đắt đỏ nhất thế giới cho các chuyến công tác. Theo báo cáo, chi phí trung bình hàng ngày cho một chuyến công tác ở New York hiện là 796 USD. Một số thành phố khác của Mỹ cũng thống trị trong top 10 địa điểm đắt đỏ nhất thế giới cho du khách doanh nhân, như Washington D.C, San Francisco và Los Angeles. Chỉ có 3 điểm đến ở châu Âu lọt vào danh sách này, là Geneva và Zurich của Thụy Sỹ và Paris (Pháp). 

Trước đó, một nghiên cứu của trang dữ liệu toàn cầu The Economist Intelligence Unit Limited (EIU) cho thấy các thành phố trên thế giới trở nên “đắt đỏ” do nhiều yếu tố như nhu cầu cao về nhà ở, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp hay mức sống cao. Ngoài ra, các yếu tố như thuế, chi phí vận chuyển và hàng hóa và dịch vụ cũng có thể góp phần vào chi phí sinh hoạt chung ở các thành phố trên thế giới.

Trong đó, Singapore và New York đồng hạng nhất trong số các thành phố đắt đỏ nhất thế giới vào năm 2022, đẩy Tel Aviv của Israel từ vị trí đầu tiên vào năm 2021 xuống vị trí thứ ba vào năm 2022. Là thành phố có một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, Hồng Kông xếp thứ tư trong danh sách này, tiếp theo là Los Angeles, tăng từ hạng chín vào năm 2021.

Các dịch vụ được coi trọng trong một chuyến du lịch ngắn ngày của doanh nhân đều liên quan đến những công nghệ du lịch mới.
Các dịch vụ được coi trọng trong một chuyến du lịch ngắn ngày của doanh nhân đều liên quan đến những công nghệ du lịch mới.

Theo nghiên cứu khảo sát của CWT – nền tảng quản lý du lịch B2B4E, có tới 71% du khách doanh nhân trên thế giới đã nắm bắt những công nghệ du lịch mới. Theo nghiên cứu, khi đi công tác, ba thiết bị quan trọng nhất cần mang theo của những du khách này là điện thoại di động (81%), máy tính (52%) và bộ sạc pin di động (41%). Điện thoại thông minh nằm trong số ba thiết bị quan trọng nhất được 86% khách du lịch đến từ châu Mỹ, 83% khách du lịch từ châu Á – Thái Bình Dương và 73% người châu Âu mang theo.

Do đó, các dịch vụ được coi trọng trong một chuyến du lịch ngắn ngày của doanh nhân bao gồm: công cụ đặt phòng trực tuyến, ứng dụng du lịch di động (12% và 41%), ứng dụng lấy dấu vân tay và quét võng mạc phục vụ công tác an ninh sân bay, công cụ kiểm tra trước TSA (an ninh giao thông), đăng ký visa trực tuyến…