19:41 28/12/2022

Giữ chân người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi

Thu Hằng

Tình hình sụt giảm về đơn hàng khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Dù dự báo những khó khăn chưa thể qua đi “một sớm, một chiều”, do vậy, việc giữ chân người lao động, đảm bảo an sinh cho họ là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm chuyên đề: "Kiềm chế lạm phát, ổn định việc làm.  Hướng chính sách tới doanh nghiệp, người lao động" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 xảy ra, tình hình thị trường lao động vô cùng bất ổn và bị tác động rất nặng nề. Thời điểm căng thẳng nhất có đến 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch (tương đương 58% lực lượng lao động), bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

CÁC TỈNH PHÍA NAM CHỊU NHIỀU ẢNH HƯỞNG HƠN

Tuy nhiên, bằng rất nhiều giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường lao động đã phục hồi khá nhanh, đạt 51,6 triệu người, lao động có việc làm năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người) so với cùng kỳ. Thu nhập của người lao động cũng được cải thiện, bình quân đạt 6,6 triệu đồng/người, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

“Đến quý 2/2022, thị trường phục hồi nhanh đến mức một số doanh nghiệp còn kêu thiếu hụt lao động, lúc đó chúng ta đã phải có những biện pháp để kết nối cung cầu lao động, tạo nguồn cho các doanh nghiệp. Song, bước sang quý 3, tình hình có nhiều thay đổi, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, đơn hàng khó khăn… khiến một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, dự kiến cắt giảm lao động, giảm giờ làm, giảm tăng ca”, ông Huy thông tin.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, từ quý 3/2022 đến nay có 528 doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm việc làm; số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp hơn 600.000 người. Trong đó số lao động bị mất việc làm là hơn 50.000 người, còn lại phần lớn là tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, giảm tăng ca và ảnh hưởng đến thu nhập do giảm tăng ca.

Tình trạng cắt giảm giờ làm, cho nghỉ việc chủ yếu rơi vào các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, tập trung ở nhóm lao động phổ thông và phân bổ ở các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc… số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng, cắt giảm lao động rất ít. “Đặc biệt, trong ngành may, chúng tôi đi khảo sát tại May 10 và được biết đơn vị này không những không cắt giảm lao động, mà dự kiến còn mở rộng một số nhà máy để tiếp tục sản xuất các đơn hàng cũ cũng như vẫn có đơn hàng mới”, ông Huy cho biết.

Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phần nào củng cố thêm những chia sẻ của ông Huy đã đề cập ở trên. Một khảo sát của công đoàn ghi nhận 70% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng khiến người lao động bị ảnh hưởng việc làm tập trung ở khu vực phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của công đoàn, lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng cần chú ý hơn về các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng để có cái nhìn đa chiều hơn. Khảo sát của công đoàn phản ánh trong tổng số nửa triệu lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thì 90% rơi vào tình trạng giảm giờ làm, giảm việc hoặc tạm thời dừng việc nhưng vẫn được hưởng lương; 1,36% ngừng việc nhưng không có lương, 9% đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Có 36% lao động làm việc trong các khu công nghiệp, 64% lao động thuộc các nhóm bên ngoài, đáng chú ý có 8% lao động nữ trên 35 tuổi, 5% lao động nữ đang trong thời gian thai sản, nuôi con nhỏ, đây là những vấn đề rất đáng quan tâm.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ chân người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi - Ảnh 1