Gỡ điểm nghẽn vốn đối với chương trình kinh tế nông thôn OCOP
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" là chính sách tổng thể cấp quốc gia triển khai từ 2018, đã thu được nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, vẫn còn không ít điểm nghẽn ngăn dòng vốn chảy vào đây cần được tháo gỡ kịp thời...
Theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, Thủ tướng phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Trong tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục nhân rộng và phát triển.
NHIỀU KHÓ KHĂN THÁCH THỨC
Mục tiêu chính của chương trình OCOP là phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng và lợi thế của các vùng miền. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước.
Sau 5 năm thực hiện, chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Đây được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tính đến tháng 5/2024, cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP.
Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Tại tọa đàm “Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong ngành tổ chức ngày 12/7, các đại biểu tham dự đã phản ánh một số vấn đề trở ngại, vướng mắc.
Thứ nhất, các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn.
Thứ hai, hợp tác xã là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP nhưng trong quá trình vay vốn có phát sinh một số vướng mắc như giấy chứng nhận OCOP được cấp cho các hợp tác xã, do đó các thành viên của hợp tác xã không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên.
Cùng đó, các đơn vị hợp tác xã còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường đầu ra do các điều kiện tín dụng khác như: hợp tác xã quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, năng lực tài chính, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, máy móc công nghệ lạc hậu; năng lực người đứng đầu điều hành hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu; phương án/dự án thiếu tính khả thi, hiệu quả. Đặc biệt khả năng tài chính của hợp tác xã và vốn góp của thành viên tổ chức này chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy phần lớn số hợp tác xã không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Chưa kể, thực hiện chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của nhà nước, do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay.
Ngoài ra, các hợp tác xã thường không có tài sản đảm bảo khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên, giá trị không nhiều. Ngoài ra, các thành viên góp vốn bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho hợp tác xã, gây khó khăn trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn.
Cuối cùng, mặc dù Nghị định 55/2015/NĐ-CP có cơ chế chính sách ưu đãi về bảo đảm tiền vay bằng tài sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với số tiền vay không phải bảo đảm bằng tài sản có thể từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/khách hàng, tuy nhiên chế tài xử lý đối với trường hợp khách hàng chây ỳ không trả nợ chưa rõ ràng nên khó khăn cho ngân hàng khi xử lý thu hồi nợ đối với những trường hợp cho vay không có đảm bảo bằng tài sản.
NGÂN HÀNG SÁT CÁNH CÙNG NÔNG DÂN
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các sản phẩm OCOP. Các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Agribank, đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP.
Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân và hợp tác xã, từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đã giúp phát triển thế mạnh của địa phương và đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Chương trình cho vay OCOP của Agribank tính đến nay có quy mô lên tới 2.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay vốn OCOP thuộc các nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Ngân hàng duy trì lãi suất cho vay thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay từng thời kỳ. Từ 26/1/2024 đến nay có 28/171 chi nhánh triển khai, doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.
Báo cáo Agribank
Đại diện của Agribank chia sẻ rằng hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không cần tài sản đảm bảo với mức vay lên tới 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, khách hàng có thể tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại ngân hàng.
Tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai từ 26/1/2024, Agribank đã đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024, ngân hàng triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Theo các chuyên gia tại toạ đàm, để xử lý những bất cập nêu trên nhằm khơi thông dòng vốn cho OCOP, cần lưu ý đến một số giải pháp.
Thứ nhất, ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay của Chính phủ, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất trong lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP có thể thể dễ dàng tiếp cận.
Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông để triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đã ban hành đến các đối tượng khách hàng đang sản xuất sản phẩm OCOP để phát triển khách hàng vay vốn trên địa bàn, tăng trưởng dư nợ, tăng dần tỷ trọng cho vay trung, dài hạn.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực hợp tác xã, điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, trong đó có hợp tác xã.
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản,... cho vay liên kết đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.