11:37 08/02/2012

Góc khuất Foxconn qua lời người trong cuộc

Phúc Minh

"Apple có thể có quan tâm, nhưng em không thấy điều đó", Trần nói khi biết Apple tuyên bố đã lo lắng tới nhân viên các hãng cung cấp

Một nữ nhân viên làm việc trong nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc.
Một nữ nhân viên làm việc trong nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc.
Kênh truyền hình CNN của Mỹ hôm 6/2 đã phát sóng một bản tin với nội dung về sự thật bên trong nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc qua lời một nữ nhân viên đang làm việc cho tập đoàn này. Để đảm bảo an toàn, khuôn mặt nhân vật đã được che kín, danh tính của cô cũng không được tiết lộ.

Mặc dù Foxconn và Apple đều đã lên tiếng bào chữa cho họ sau những cú sốc thông tin mới đây về điều kiện làm việc khắc nghiệt trong các nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc, nhưng câu chuyện được người nữ nhân viên tiết lộ trên CNN lại cho thấy sự thật không hẳn như những gì doanh nghiệp đã nói.

Dưới đây là bản lược dịch những nội dung trong bản tin của phóng viên kênh truyền hình CNN.

Chúng tôi tình cờ gặp cô ấy bên đường. Cô trông giống như những công nhân làm việc cho các nhà máy khác ở Trung Quốc: Trẻ tuổi, sôi nổi và vận một bộ trang phục rẻ tiền thường thấy ở các ngôi làng nông thôn. Khi chúng tôi hỏi có phải cô làm việc cho Foxconn hay không, cô trả lời "dạ vâng ạ".

Sự thực thì để nói chuyện với cô không hề dễ. Cô nói có thể bị mất việc làm hoặc thậm chí bị truy tố. Và chỉ sau khi chúng tôi hứa sẽ đảm bảo giấu kín danh tính của cô và đưa cô tới một nơi ít bị ai dòm ngó đến, cô mới thực sự cảm thấy yên tâm và dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi.

Chúng tôi không thể nêu tên cô ấy, vì thế chúng ta hãy gọi cô ấy là cô Trần. Cô Trần là một trong hơn một triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc cho tập đoàn Foxconn, công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện tử cho nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là hãng công nghệ Apple.

Mối quan hệ giữa Apple và Foxconn thời gian gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đua nhau tố giác và chỉ trích những điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất của tập đoàn Foxconn và Apple không thể tránh khỏi bị liên đới.

Thời gian làm việc bị kéo dài tới mức không thể chịu đựng nổi và không thể dự đoán được, môi trường làm việc như quân phiệt, không được phép nói chuyện bên trong nhà máy, mức lương bèo bọt... chỉ là một vài trong số những lời cáo buộc của các tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân dành cho Foxconn.

Foxconn và Apple đã lên tiếng bào chữa cho họ. Foxconn khẳng định, điều kiện làm việc tại các cơ sở của họ tốt hơn hầu hết các nhà máy ở Trung Quốc. Họ có bể bơi, trung tâm chăm sóc sức khỏe và đội ngũ tư vấn. Còn Apple tuyên bố "chúng tôi quan tâm tới tất cả nhân viên trong dây chuyền cung cấp toàn cầu".

Apple khẳng định rằng, hãng đã nhắc nhở các nhà cung cấp phải đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn, đối xử với công nhân bằng thái độ tôn trọng và luôn phải duy trì môi trường làm việc có trách nhiệm. Nếu các nhà cung cấp không đáp ứng được các điều kiện này, Apple sẽ ngưng hợp tác đối với họ.

Tuy nhiên, sau khi biết được những tuyên bố của Apple, Trần không hề tỏ ra xúc động. "Apple có thể có quan tâm tới, nhưng em không thấy có sự quan tâm nào như thế cả", cô nói.

Bên bàn lẩu Tứ Xuyên cay nồng, Trần đã kể cho chúng tôi nghe về cảnh phải làm việc quá sức, về cảm giác giống như "một con vật", về thức ăn nghèo nàn, mức lương thấp và áp lực căng thẳng. Những công nhân phàn nàn sẽ được trả lời "nếu không thích thì nghỉ", Trần kể. Ở Trung Quốc luôn có người lấp chỗ trống.

"Ở Foxconn, chúng em có một câu nói, đàn bà làm việc như đàn ông, còn đàn ông thì làm việc như những cỗ máy. Nhưng để dễ hiểu hơn thì phải nói là đàn bà làm việc như đàn ông và đàn ông thì làm việc như những con vật", Trần nói. Làm việc, làm việc, làm việc. Đó là tất cả cuộc sống của Trần.

Thông thường, Trần làm việc 60 tiếng trong một tuần, nhưng cô phải làm thêm rất nhiều giờ nữa. Cô được trả 1.300 Nhân dân tệ mỗi tháng, cỡ khoảng 200 USD (hơn 4 triệu đồng). "Thật là chán ngán, em không thể chịu đựng hơn được nữa. Ngày nào cũng như vậy, sáng ngủ dậy đi làm, kết thúc công việc thì đi ngủ. Nó đã trở thành lịch trình hàng ngày của em và em cảm thấy mình giống như một con vật vậy", Trần tâm sự.

"Con vật" là từ mà Trần lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Foxconn luôn muốn đảm bảo rằng họ quản lý được nhân công của mình. Trần đã đưa chúng tôi đi qua khu ký túc nơi cô ăn, ngủ. Chúng tôi cũng lái xe qua nhà máy. Nó giống như một thành phố nhỏ với bảo vệ được vũ trang. Công nhân làm việc theo ca và luôn chạy trốn khi chúng tôi tiếp cận.

Vào ngày chúng tôi quay phim ở đây, chúng tôi đã bị một chiếc xe màu trắng bí ẩn bám theo. Chúng tôi chạy tới đâu, chiếc xe theo tới đó. Chúng tôi đã lại gần để hỏi vì sao họ theo chúng tôi, người lái đã từ chối trả lời.

Một số người cho rằng, các nhà máy tương tự như Foxconn đã giúp Trung Quốc giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở nước này. Hàng trăm triệu người đã thoát nghèo. Quả thực như vậy, Foxconn đã mang tới việc làm cho hơn 1 triệu người Trung Quốc và hiện còn hàng vạn người khác vẫn đang xếp hàng chờ việc.

Sự yêu thích các sản phẩm Apple cũng đang trở thành một trào lưu ở Trung Quốc. Hàng nghìn người Trung Quốc đã quây kín các cửa hàng đại lý của Apple tại đây trong ngày ra mắt sản phẩm mới, thậm chí còn gây ra những xung đột nho nhỏ.

Trần chỉ là một tiếng nói, nhưng câu chuyện của cô đã được nhiều công nhân khác chia sẻ. Năm 2010, báo chí Trung Quốc cho biết đã có một số công nhân Trung Quốc tự tử. Và mới vài tuần trước đây thôi, nhiều công nhân tại một nhà máy của Foxconn ở Vũ Hán đã đe dọa tự tử tập thể nếu họ bị chuyển đi.