Gojek ra mắt GoCar: Nước cờ mạo hiểm hay bước đi chiến lược
“Gojek không bao giờ liều lĩnh. Mọi quyết định đều phải là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với sự linh hoạt để thích ứng với tình hình cụ thể của thị trường”. Đó là khẳng định của ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam khi chia sẻ về sự ra mắt của dịch vụ gọi xe công nghệ GoCar...
“Gojek không bao giờ liều lĩnh. Mọi quyết định đều phải là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với sự linh hoạt để thích ứng với tình hình cụ thể của thị trường”. Đó là khẳng định của ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam khi chia sẻ về sự ra mắt của dịch vụ gọi xe công nghệ GoCar.
DĨ BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Trong thị trường cạnh tranh, để thu hút khách hàng, mỗi hãng xe sẽ lựa chọn hoặc theo chân những đối thủ đi trước, hoặc phải tiên phong những chiến lược khác biệt. Với Gojek, đó là sự kết hợp giữa sứ mệnh “tạo ra tác động xã hội tích cực” với sự nhanh nhạy để nắm bắt sự dịch chuyển mới nhất của người dùng, để tạo ra một sản phẩm GoCar “vô tiền khoáng hậu” giữa tâm dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, vào giữa năm 2021 Gojek sẽ ra mắt dịch vụ gọi ô tô công nghệ GoCar - một trong hai sản phẩm chiến lược năm nay, bên cạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Mọi công việc chuẩn bị đã xong thì tình hình dịch bệnh ở TPHCM diễn biến căng thẳng dẫn tới giãn cách xã hội. Gojek tạm gác lại kế hoạch, chuyển hướng sang ưu tiên các chương trình hỗ trợ đối tác duy trì hoạt động và thu nhập, đảm bảo cho chuỗi cung ứng thành phố được liền mạch.
Đầu tháng 8, khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, nhiều đoàn y, bác sĩ được tăng cường cho thành phố, Gojek nhận thấy nhu cầu di chuyển của lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tăng cao. Sẵn sự chuẩn bị từ trước cho GoCar, Gojek quyết định chung tay đóng góp vào công cuộc chống dịch của thành phố. Trong vòng 2 tuần kể từ lúc gửi đề xuất tới các cơ quan chức năng, Gojek đã chạy nước rút để đào tạo cho các đối tác tài xế về quy định an toàn phòng chống dịch, đưa tài xế đi tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm PCR, lắp màn chắn và máy lọc không khí trên xe, đồng thời thu xếp khách sạn và các phương án ăn ở cho đội ngũ tài xế tham gia chiến dịch. Ngày 19/8/2021, những chuyến xe GoCar đầu tiên đã lăn bánh.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng hoạt động giữa tâm dịch hoàn toàn không hề đơn giản, nhiều thay đổi và rủi ro túc trực. Nhưng đội ngũ Gojek đã không bỏ cuộc. Khi được hỏi liệu việc ra mắt GoCar giữa tâm dịch có phải là một nước cờ mạo hiểm không, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ: “Gojek không bao giờ liều lĩnh. Mọi quyết định đều phải là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với sự linh hoạt để thích ứng với tình hình cụ thể của thị trường”.
Ông Đức nhấn mạnh thêm: “Mọi thứ đều có thể thay đổi, ngoại trừ những sứ mệnh tốt đẹp. Sứ mệnh của Gojek là tạo ra tác động xã hội tích cực” - đây chính là kim chỉ nam của công ty xuyên suốt mọi hoàn cảnh.
GOCAR PROTECT - BƯỚC ĐI CHIẾN LƯỢC MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
Ngày 18/11/2021, khi các quy định về giãn cách được nới lỏng, Gojek đã chính thức mở rộng GoCar với đông đảo người dùng TPHCM, bắt đầu với dòng sản phẩm GoCar Protect. GoCar Protect là dịch vụ gọi xe 4 bánh đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam trang bị đồng bộ màn chắn bảo vệ và máy lọc không khí trên xe.
Tất cả các tài xế GoCar Protect đều đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, các xe được trang bị màn chắn trong suốt để ngăn cách giữa tài xế và hành khách, cùng máy lọc không khí Sharp công nghệ Plasmacluster ion, có khả năng tiêu diệt tới 99.4% virus. Gojek đã áp dụng đúng những tiêu chuẩn này cho những chuyến xe đầu tiên phục vụ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Khi chiến dịch nói trên kết thúc, tất cả các tài xế và y, bác sĩ đi xe đều trở về nhà an toàn.
Không phải ngẫu nhiên mà Gojek lựa chọn GoCar Protect để “chào sân” thị trường. Đại dịch đã khiến thói quen tiêu dùng của mọi người thay đổi, mọi quyết định đều dựa trên ưu tiên về sức khỏe và an toàn. Theo nghiên cứu của McKinsey, trong lĩnh vực đi lại và giao thông vận tải, nếu như trước đại dịch những người đi làm quan tâm đến “thời gian đến nơi”, “sự tiện lợi” và “không gian và sự riêng tư” khi di chuyển bằng các dịch vụ gọi xe, thì kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, và ngay cả khi chuyển sang thời kỳ bình thường mới, “rủi ro lây nhiễm” đã trở thành yếu tố được quan tâm số 1 trước mỗi lựa chọn di chuyển.
Gojek cũng đã trực tiếp khảo sát các người dùng tại Việt Nam và kết quả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Top 3 lý do khiến người dùng Việt Nam trì hoãn việc sử dụng dịch vụ gọi xe là “Không chắc tài xế đã tiêm vaccine hay chưa”, “Không chắc tài xế có đảm bảo sức khoẻ không”, và “Không chắc khách trước lên xe có đảm bảo sức khoẻ không”.
“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách hàng của chúng tôi đã bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn đến rủi ro lây nhiễm. Do đó, Gojek đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và mang đến sự an tâm, thoải mái cho người dùng và đối tác tài xế. Chúng tôi hy vọng việc ưu tiên các tính năng về an toàn sức khỏe sẽ trở thành một chuẩn mực mới của ngành trong bối cảnh đại dịch và cả thời gian sau này”, ông Đức nói.
Với chiến lược phát triển có chiều sâu, những hạng mục tính năng trong kế hoạch phát triển tương lai của Gojek hứa hẹn sẽ tiếp tục được khách hàng Việt mong chờ khám phá.