Goldman Sachs bi quan về kinh tế Mỹ
Goldman Sachs nâng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, hạ dự báo tăng trưởng, tăng triển vọng lạm phát và thất nghiệp. Tất cả đều do chiến tranh thương mại...

Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt rủi ro suy thoái ngày càng lớn do hàng rào thuế quan có thể khiến tăng trưởng sụt giảm, lạm phát “bốc đầu” và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh - Goldman Sachs nhận định.
Trong một báo cáo công bố vào cuối tuần vừa rồi, ngân hàng Mỹ này cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới là 35%, tăng từ mức 20% của lần dự báo gần đây. Ngoài ra, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng nâng dự báo lạm phát, cắt giảm dự báo tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 của Mỹ còn 1%, và nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm thêm 0,3 điểm phần trăm lên 4,5%.
Khả năng suy thoái kinh tế Mỹ mà báo cáo này đưa ra là mức cao nhất của Goldman Sachs kể từ khi Mỹ xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực cách đây 2 năm. Goldman Sachs vẫn kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái, nhưng nhiều nhà dự báo khác - bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers - tỏ ra bi quan hơn, cho rằng khả năng suy thoái là 50-50.
Dù có những đánh giá khác nhau về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, giới chuyên gia nhìn chung đều có cùng một quan điểm cho rằng chất xúc tác tiềm tàng cho một cuộc suy thoái chính là cú sốc mà cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump gây ra. Theo dự kiến, cuộc chiến thương mại sẽ có bước leo thang mới trong tuần này, khi ông Trump công bố thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4.
Báo cáo của Goldman Sachs cho biết áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tăng lên do “sự sụt giảm niềm tin mạnh mẽ gần đây của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng tuyên bố của giới chức Nhà Trắng cho thấy chính quyền sẵn sàng chấp nhận kinh tế giảm tốc để đạt được mục tiêu chính sách” thương mại.
Các cuộc khảo sát gần đây đều phản ánh niềm tin người tiêu dùng Mỹ sụt giảm. Kết quả khảo sát niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan công bố cách đây ít ngày cho thấy tỷ lệ người Mỹ lường trước khả năng rơi vào cảnh thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ suy thoái hậu khủng hoảng tài chính 2008. Đồng thời, kỳ vọng lạm phát cũng tăng lên mức cao nhất 32 năm.
“Các chỉ số tâm lý vốn đã là một chỉ báo xấu về các hoạt động kinh tế trong mấy năm qua, nhưng sự suy giảm của tâm lý trong thời gian gần đây là điều đáng chú ý bởi các yếu tố kinh tế nền tảng hiện nay không còn mạnh như trong những năm trước”, báo cáo của Goldman Sachs viết.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã tuyên bố sẽ sử dụng thuế quan một cách quyết liệt. Tuy nhiên, giới đầu tư, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế vẫn cảm thấy bất ngờ trước những động thái và tuyên bố thuế quan của ông kể từ sau khi lên nắm quyền. Trong một tuyên bố vào ngày 30/3/2025, ông Trump cho biết thuế quan có đi có lại sẽ áp lên tất cả các quốc gia chứ không riêng một nhóm nước có mất cân đối thương mại lớn nhất với Mỹ như đồn đoán.
Thuế quan có đi có lại “sẽ khởi động với tất cả các quốc gia. Vậy hãy chờ xem điều gì xảy ra”, ông Trump nói với các nhà báo đi cùng trên chuyên cơ Không lực 1.
Sau tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng, Goldman Sachs tăng dự báo thuế quan của Mỹ lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng. Ngân hàng này nhận định thuế quan bình quân của Mỹ sẽ tăng 15 điểm phần trăm trong năm nay, từ mức dự báo tăng 10 điểm phần trăm đưa ra trước đó.
Mức dự báo tăng này dựa trên cơ sở Mỹ áp thuế quan có đi có lại với thuế suất bình quân 15% lên tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng thuế suất bình quân của thuế quan có đi có lại sẽ giảm xuống còn 9% nếu có một số đối tác thương mại và sản phẩm nhất định được miễn trừ.
“Thuế quan tăng có thể sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tiêu dùng”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định, nhấn mạnh rằng giá cả tăng sẽ ăn vào thu nhập sau khi đã trừ đi lạm phát của người tiêu dùng.
Tuần trước, ông Trump nói thuế quan có đi có lại sẽ “nhẹ nhàng”, nhưng cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về thương mại và sản xuất chia sẻ với kênh Fox News vào ngày 30/3 rằng thuế quan của ông có thể mang về cho quốc khố Mỹ tới 600 tỷ USD mỗi năm. Giới chuyên gia nhận định điều này đồng nghĩa với một đợt tăng thuế lịch sử khiến hàng triệu người Mỹ phải gánh chịu chi phí cao hơn.
Golman Sachs dự báo tốc độ lạm phát lõi ở Mỹ vào cuối năm nay sẽ là 3,5%, dự báo trước đó là 3%. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - tăng 2,8% trong tháng 2.
Goldman Sachs cũng dự báo Fed sẽ hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, thay vì 2 lần như trong dự báo trước.