Kinh tế Trung Quốc có thêm tín hiệu tốt, giới chuyên gia vẫn bi quan
Nói chung, bức tranh kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây có sự cải thiện, nhưng chưa đồng đều...

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 tăng trưởng mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây nhờ sự khởi sắc của lượng đơn hàng mới. Diễn biến tích cực này được xem là kết quả ban đầu của các biện pháp kích thích mà Bắc Kinh đã triển khai thời gian qua, đồng thời tiếp sức cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa cuộc chiến thuế quan căng thẳng với Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn chưa thể lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) ngày 31/3 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức khu vực sản xuất tăng lên mức 50,5 điểm trong tháng 3 từ 50,2 điểm trong tháng 2. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2024 và phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Chỉ số PMI phi sản xuất, bao trùm các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, tăng lên mức 50,8 điểm từ 50,4 điểm của tháng trước.
“Số liệu PMI chính thức cho thấy chi tiêu vào cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh và xuất khẩu vẫn duy trì vững bất chấp thuế quan của Mỹ”, nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của công ty Capital Economics nhận định với hãng tin Reuters. “Dù vậy, kết quả này vẫn phù hợp với dự báo cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Trung Quốc giảm tốc do lĩnh vực dịch vụ suy yếu”.
Nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang được hỗ trợ bởi loạt biện pháp kích thích tài khóa mà Chính phủ nước này công bố trong quý 4/2024 và quý 1/2025. Ngoài ra, việc các công ty nhập khẩu của Mỹ đẩy mạnh nhập hàng Trung Quốc trước khi ông Trump có động thái leo thang thuế quan tiếp theo cũng là một yếu tố hỗ trợ khác cần phải kể đến.
Nhưng thử thách mới đang chờ kinh tế Trung Quốc khi ông Trump dự kiến sẽ đánh thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, vào ngày thứ Tư tuần này. Trung Quốc được cho sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi kế hoạch thuế quan mới này. Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump đã áp thuế quan bổ sung 20% lên hàng hóa Trung Quốc trên cơ sở cho rằng Bắc Kinh hành động chưa đủ để ngăn dòng chất cấm fentanyl xâm nhập vào Mỹ.
Dù đương đầu nhiều thử thách, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm “khoảng 5%” cho năm nay, bằng với mục tiêu của năm ngoái và bị giới phân tích cho là tham vọng. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, Bắc Kinh đã cam kết tăng kích thích bằng chính sách tài khóa, tăng phát hành nợ, nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, và tăng cường thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để cân bằng tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Bắc Kinh đang mở rộng một chương trình đổi hàng cũ lấy hàng mới nhằm khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước cải thiện, chỉ số phụ về lượng đơn hàng mới tăng lên mức 51,8 điểm trong tháng 3, mức cao nhất trong 12 tháng. Trong khi đó, chỉ số phụ đo lượng đơn hàng xuất khẩu mới không đạt mức 50 điểm phân chia giữa tăng trưởng và suy giảm.
“Những số liệu này là tốt, nhưng chưa đủ. Tôi vẫn còn khá lo ngại về giá cả đầu ra vì giá đầu ra giảm cho dù lượng đơn hàng mới tăng lên”, nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định. “Các con số yếu hơn một chút so với kỳ vọng của chúng tôi. Lĩnh vực bất động sản vẫn đang là một trở ngại đối với tăng trưởng”.
Nói chung, bức tranh kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây có sự cải thiện, nhưng chưa đồng đều. Doanh thu bán lẻ khởi sắc và thị trường bất động sản có dấu hiện tan băng, nhưng áp lực giảm phát còn dai dẳng và tỷ lệ thất nghiệp còn cao.
“Chúng tôi không cho rằng thời gian còn lại của năm nay sẽ chứng kiến sự khởi sắc rõ rệt của kinh tế Trung Quốc”, ông Evans-Pritchard cho biết. “Kế hoạch ngân sách của Trung Quốc cho phép đẩy mạnh các biện pháp kích cầu trong những tháng tới. Nhưng thuế quan của Mỹ sắp leo thang và sẽ sớm gia tăng áp lực suy giảm xuất khẩu đối với Trung Quốc”.