Gucci mùa mốt Resort 2024: Vì sao lại là Hàn Quốc?
Không ngoa khi nói rằng thế giới thời trang hiện tại đang chịu ảnh hưởng của những người nổi tiếng châu Á, đặc biệt là Kpop. Thực tế, nhiều ngôi sao Hàn Quốc đã trở thành đại sứ thương hiệu, và họ thống trị truyền thông trên thảm đỏ tại các sự kiện lớn…
Trên đường đến buổi biểu diễn của Gucci, các đường phố xung quanh Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul tập trung hàng trăm người biểu tình của liên đoàn lao động và cảnh sát mặc áo khoác neon cầm khiên chống bạo động. Một nhóm gồm những người đàn ông giận dữ và một số phụ nữ đã chuyền tay nhau micro để có những bài phát biểu phản đối các quyết sách của tổng thống Hàn Quốc—một cảnh tượng có lẽ không xa lạ đối với những du khách quốc tế đã quen thuộc với Tuần lễ thời trang Paris.
Theo tạp chí Vogue, điều này giống như một khúc ngoặt kỳ lạ của số phận, mà Seoul, với tư cách là con cưng của thế giới thời trang hiện nay, lại không quá khác biệt so với các thành phố chị em của nó. Gucci là hãng mới nhất tổ chức sự kiện ra mắt bộ sưu tập tại một đô thị từng ngủ quên trong bóng tối của các nước láng giềng Tokyo và Thượng Hải. Đến giờ, phương Tây đã hiểu tầm quan trọng của thị trường Hàn Quốc, thị trường có tầm ảnh hưởng toàn cầu đủ để không chỉ xu hướng mà còn kéo doanh số bán hàng theo sau.
Hàng ghế đầu của show diễn chật kín những ngôi sao quốc tế (Dakota Johnson, Elizabeth Olsen, Saoirse Ronan) và các thần tượng cùng diễn viên đang khuynh đảo ngành giải trí Hàn Quốc (ca sỹ Hanni của nhóm NewJeans, IU, Lee Jung-jae)… Đối với nhiều thương hiệu, điều đó là đủ. Tuy nhiên, không giống như những thương hiệu khác chỉ muốn “nhúng một ngón chân vào nước”, Gucci dường như quyết định “lao thẳng xuống sông Hàn”. Trong không gian của khu phức hợp hoàng gia lớn nhất của đất nước được xây dựng vào thế kỷ 15 – Cung điện Gyeongbokgung, Gucci Resort 2024 mang đến 60 bộ trang phục với ngôn ngữ thiết kế chiết trung đậm chất giới trẻ Seoul.
Gucci đang chuẩn bị chào đón giám đốc sáng tạo mới của mình, Sabato de Sarno, vào tháng 9 năm nay và dự kiến sẽ ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của vị giám đốc sáng tạo mới trong Tuần lễ thời trang Milan. Vì thế đây vẫn là bộ sưu tập không có người “lãnh đạo” bộ máy sáng tạo. Toàn bộ đội ngũ thiết kế đã quyết định gói gọn một thành phố Seoul sôi động trong chiếc bomber đen kéo dài quét đất tựa như bộ hanbok thời đại mới được người mẫu người Hàn nổi tiếng Sora Choi diện để mở màn show diễn.
Tiếp theo đó là những chiếc quần jeans, túi baguette hay những chiếc thắt lưng cao đến ngực, tô điểm cho những chiếc jacket và những chiếc áo dài dáng rộng, quần cạp trễ thùng thình đến mắt cá chân, váy maxi vải dù, chiếc áo phông có in sau lưng cụm từ “Gyeongbokgung”...
Gucci Resort 2024 tất nhiên cũng sẽ có những thiết kế dạ hội đậm chất thanh lịch, chẳng hạn như chiếc áo choàng hoodie lấp lánh đính pha lê kết hợp với một đôi bốt cyber goth stompers; chiếc áo khoác nylon có dây thắt ở eo, những chiếc quần ống rộng quá khổ cũng như chiếc áo jacket nữ được cắt cúp để khoe phần giữa; chiếc váy voan màu hồng nhạt nổi bật với những dải voan tung bay được kết hợp cùng bộ suit ôm sát màu đen bên trong...
Bên cạnh đó, những màn phối hợp những bộ đồ bơi được làm từ cao su Neoprene như những lớp đồ lót bên dưới ắt hẳn đã khiến người Hàn Quốc nhớ đến haenyeo – những nữ thợ lặn với kỹ năng săn ngọc trai trên đảo Jeju. Một số người mẫu cũng xuất hiện cùng những chiếc ván lướt sóng khổng lồ được tráng gương lấp lánh, hay những đôi bốt cao su tổng hợp – những biến thể từ đôi bốt lặn vào những năm 1990.
Đặc biệt là chiếc áo cổ lọ nhiều lớp có khóa kéo đến cằm kết hợp với váy midi vải tuýt được tô điểm bằng những viên pha lê diamanté chạy dọc hai bên. Những dấu ấn này không chỉ đã mở rộng kho trang phục thể thao cổ điển của Gucci mà còn mang đến điểm nhấn thú vị cho phong cách ăn mặc gợi nhớ đến những sáng tạo sang trọng của Michele trong suốt nhiệm kỳ bảy năm rực rỡ của ông.
Hiệu quả nhất trong tất cả: quy mô và cảnh tượng tuyệt đối của buổi biểu diễn. Ánh đèn lấp lánh khắp sân lát đá, đồng thời với tiếng trống và vồ gỗ đập thịch thịch. Mặc dù bộ trang phục kết show đơn giản một cách đáng ngạc nhiên: một bộ vest đen hình hộp, người xem hiểu được đây như là sự kết thúc lặng lẽ của một chương cũ của nhà mốt và mở sang chương tiếp theo, trong khi vẫn tôn vinh Seoul với một lễ hội thời trang hoành tráng mà nó chắc chắn xứng đáng có được.
Và thế là sau Louis Vuitton và Dior, Gucci là thương hiệu cao cấp mới nhất không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc trong thế giới thời trang trên toàn cầu. Theo Citigroup, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thị trường thời trang xa xỉ phát triển nhanh nhất, thậm chí vượt qua thị trường Mỹ từ năm 2019 đến 2022 về tốc độ tăng trưởng.
Với sự phổ biến của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đặc biệt là Kpop và phim ảnh, Hàn Quốc đã thành công “xuất khẩu” ra thế giới hàng loạt “cơn lốc” xu hướng thời trang và làm đẹp. Báo cáo của Morgan Stanley chỉ ra vào năm 2022 vừa qua, Hàn Quốc có mức tiêu thụ hàng xa xỉ bình quân đầu người cao nhất thế giới là 325 USD vượt trội so với Bắc Mỹ là 280 USD, hay Trung Quốc là 55 USD.
Những món đồ hiệu xa xỉ từng chỉ dành riêng cho những người trưởng thành giàu có, giờ đang được giới trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là những người ở độ tuổi 20 thèm muốn. Chưa khi nào, Hàn Quốc lại trở lên nhộn nhịp và sầm uất như thế: Balenciaga lựa chọn Hàn Quốc là thị trường đầu tiên trên thế giới để mở bán dòng sản phẩm giày thể thao trong năm 2022. Chanel cũng công bố kế hoạch mở boutique ở Seoul phục vụ tập khách VIP tại thị trường châu Á.
Nền văn hóa Hallyu cũng dần được công nhận khi từ âm nhạc, thời trang, phim ảnh đều gây tiếng vang trên khắp thế giới. Vì thế, giờ đây chẳng khó để giải thích tại sao ngày càng có nhiều “ông lớn” thời trang bày tỏ sự hứng thú và nhảy vào thị trường thời trang Hàn Quốc nhộn nhịp. Từ LVMH cho tới tập đoàn Kering, Prada Group… tất cả đều dấn thân vào hành trình chạy đua tìm kiếm những gương mặt đại sứ và giành giật lấy những ngôi sao hàng đầu về giá trị truyền thông của Hàn Quốc để tăng thị phần và tăng trưởng doanh thu của mình.